Bí mật bức phù điêu trước tổng hành dinh CIA (kỳ cuối)

Ai cũng biết Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) với nguồn ngân sách khổng lồ và hoạt động khắp nơi trên thế giới là nơi nắm giữ nhiều bí mật của nhân loại. Nhưng có một bí mật nằm ngay trước cổng tòa nhà Tổng hành dinh CIA ở Langley, bang Virginia, suốt 20 năm qua vẫn khiến các nhân viên tình báo tài ba nhất của tổ chức này đau đầu.

Kỳ cuối: Những bí ẩn chờ lời giải


Từ đó đến nay, tác phẩm của Sanborn luôn là một bài toán hóc búa không chỉ đối với các nhân viên CIA, những người ra vào tòa nhà hàng ngày, mà đối với tất cả các nhân viên thuộc các cơ quan trong và ngoài Chính phủ Mỹ. Những bộ óc thông minh nhất vào cuộc và năm 1998 đã có người đầu tiên vén lên một phần của bức màn bí ẩn bao trùm “miếng đồng hình chữ S”. Đó là David Stein, một nhà vật lý làm việc cho CIA, người đã dùng giấy và bút chì giải mã được ba trong bốn thông điệp của “Kryptos”. Tuy nhiên, lời giải của Stein chỉ được những người nội bộ CIA biết tới. Một năm sau đó, một kỹ sư máy tính ở bang California tên là James Gillogly là người đầu tiên công bố đã giải mã 760 ký tự của “Kryptos” bằng cách sử dụng các thuật toán trên máy tính.

Một phần bảng mã và từ khóa của bức phù điêu bí ẩn của CIA.


Thông điệp đầu tiên được giải mã có nội dung: “Giữa bóng tối huyền ảo và sự thiếu vắng của ánh sáng là một sắc thái của ảo giác”. Nội dung của thông điệp thứ hai dài hơn, nhưng cũng không cung cấp đủ thông tin cho người đọc: “Nó hoàn toàn vô hình. Làm cách nào để được như vậy? Họ sử dụng từ trường Trái Đất. Thông tin được thu thập và chuyển đi dưới lòng đất tới một địa điểm chưa xác định. Liệu Langley có biết được điều này? Họ nên biết: Nó được chôn cất ở đâu đó ngoài kia. Ai biết đích xác vị trí? Chỉ có WW. Đây là thông điệp cuối cùng của ông ấy: 38 độ Bắc 57 phút 6,5 giây, 77 độ Tây 8 phút 44 giây. ID theo hàng”.

Sanborn từng khẳng định cụm từ “Ai biết đích xác vị trí? Chỉ có WW” trong thông điệp thứ hai nhằm ám chỉ William H. Webster, cựu Giám đốc CIA hồi những năm 1990, người đã được Sanborn trao chìa khóa lời giải bí ẩn của thông điệp. Tuy nhiên, trong một lần trả lời phỏng vấn vào năm 2005, chính cha đẻ của công trình này lại nói rằng Webster cũng không có trong tay đáp án trọn vẹn của bài toán.

Sau này còn có thêm một số lời giải nữa được công bố. Các ký tự trên miếng đồng được mã hóa theo bao nhiêu cách, thì cũng có bấy nhiêu phương pháp giải mã được triển khai. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ dừng lại ở cái đích nửa vời mà Stein chạm tới. Từ đó đến nay vẫn chưa có ai đưa ra đáp án cho thông điệp còn lại của miếng đồng, bởi 97 ký tự cuối cùng sử dụng một phương pháp mã hóa vô cùng phức tạp.

J.Sanborn, cha đẻ của bức phù điêu trước tổng hành dinh của CIA.

Các chuyên gia cho rằng mức độ phức tạp ngày càng tăng dần theo thứ tự của các thông điệp, biểu hiện cho tính chất phức tạp của hoạt động tình báo. Đoạn mật mã trong thông điệp thứ tư rất ngắn, gây khó khăn cho việc tìm kiếm các chữ cái lặp lại - một yếu tố chủ chốt cho việc giải mã. Mối quan tâm đến đoạn thông điệp bí ẩn lại càng được hâm nóng sau khi tác giả cuốn sách ăn khách “Mật mã Da Vinci” cho biết trong cuốn tiểu thuyết mới “The Solomon Key” của ông, “Kryptos” đóng một vai trò rất quan trọng.

Số người quan tâm tới “Kryptos” tăng dần lên theo thời gian. Nhiều trang web và diễn đàn đã được lập ra để tập hợp những cái đầu thông minh nhất cùng nhau giải phần còn lại của bí ẩn trước tòa nhà CIA. Nổi bật trong số này là “Nhóm Kryptos”, thành lập tháng 5/2003 trên mạng của Yahoo, nơi các thành viên liên tục thảo luận và đưa ra những đáp án khả dĩ nhất. Đến cuối năm 2003, “Nhóm Kryptos” mới có gần 70 thành viên, nhưng chỉ vài năm sau số lượng của nhóm nhanh chóng tăng lên gần 1.000 sau khi họ giải mã được “Dự án Cyrillic”. Đây là một công trình kiến trúc tương tự đặt ở Đại học Bắc Carolina (Mỹ), được sáng tác lấy cảm hứng từ “Kryptos”. Kết quả giải mã “Dự án Cyrillic” hóa ra lại là một đoạn tài liệu mật của cơ quan tình báo Nga KGB.

Dù vậy, bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đến nay phần còn lại của “Kryptos” vẫn nằm sau màu đen của bức màn bí ẩn. Sanborn từng tiết lộ rằng giải mã được 4 bản thông điệp mới chỉ là bước khởi đầu để đi đến một bí ẩn lớn hơn. Ông nói: “Họ sẽ đọc được những gì tôi viết, nhưng bản thân những gì tôi viết cũng là một bí ẩn”. Và những người ham mê khám phá lại tiếp tục miệt mài tìm hiểu “Kryptos” - một trong “những đoạn mật mã bí ẩn nhất của nhân loại”.

Vũ Hội  (Tổng hợp)

Bí mật bức phù điêu trước tổng hành dinh CIA (kỳ 1)
Bí mật bức phù điêu trước tổng hành dinh CIA (kỳ 1)

Thật ra từ lâu bức phù điêu “Kryptos” đặt trước cửa Tổng hành dinh của CIA vẫn là bài toán hóc búa đối với mọi chuyên gia giải mã trên khắp thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN