Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh tập trung đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho người dân. Đến nay 67% dân số ở tỉnh có kỹ năng số cơ bản như: Khai thác thông tin trên mạng internet, sử dụng mạng xã hội, mua bán hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, sử dụng hoặc thuê các thiết bị IoT vào sản xuất và đời sống. Hiện internet băng thông rộng đã kết nối đến 100% khóm, ấp với 83,66% hộ gia đình sử dụng; mạng di động 3G, 4G, 5G đã phủ kín các khu vực dân cư với 94,5% thuê bao sử dụng điện thoại thông minh. Sở đang phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ người dân hướng đến 100% thuê bao di động đều sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời tiếp tục đầu tư vào mạng lưới internet băng thông rộng để mọi người dân đều có thể tiếp cận công nghệ số; triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho rằng phát triển kinh tế số ở địa phương được triển khai chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể là sử dụng thiết bị bay không người lái, mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh, mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0. Huyện Tháp Mười thường xuyên phối hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trải nghiệm nền tảng chuyển đổi số do tỉnh tổ chức và tham gia kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Voso và Postmart. Huyện có 38/38 sản phẩm OCOP đã tham gia sàn các sàn thương mại điện tử, đạt 100%....
Bà Nguyễn Lâm Thanh Thuỷ cũng khẳng định, kinh tế số là khâu đột phá chiến lược để đưa Đồng Tháp vươn lên, ổn định và phát triển kinh tế. Kinh tế số gồm 3 thành phần: Kinh tế số ICT (sản xuất phần cứng, phần mềm, sản xuất nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, dịch vụ truy cập internet); kinh tế số nền tảng (kinh tế dữ liệu số, kinh tế nền tảng số, dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế chia sẻ…); kinh tế số ngành, lĩnh vực (quản trị điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, sản xuất thông minh, nông nghiệp và du lịch thông minh).
Nhân dịp này, UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen cho 6 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyển đổi số năm 2023; đồng thời tặng Bằng khen cho 24 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng.
Thanh niên Long An hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10
Ngày 9/10, Tỉnh đoàn Long An tổ chức Ngày hội Thanh niên chuyển đổi số năm 2024 nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 và chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2024).
Tỉnh Long An hiện có gần 4.000 đoàn viên thuộc các Đội hình IT xanh và Tổ Công nghệ số cộng đồng. Tại buổi lễ đại diện các Đội hình IT xanh của Thành đoàn Tân An, Huyện đoàn Cần Đước, Huyện đoàn Thủ Thừa, Huyện đoàn Tân Trụ, Huyện đoàn Châu Thành đại diện cho 188 đội hình IT xanh trên toàn tỉnh đã ra mắt nhận nhiệm vụ.
Các Đội hình IT xanh và Tổ Công nghệ số cộng đồng tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt nhiều công trình thanh niên nhằm lan tỏa hoạt động chuyển đổi số tới cộng đồng. Tiêu biểu như, “Thư viện số”, “Số hóa địa chỉ đỏ”, tuyến đường không sử dụng tiền mặt và “Số hóa tuyến đường”...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Long An Võ Minh Quốc cho biết, trong thời đại số, công nghệ thông tin trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Đây không chỉ xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết để đất nước phát triển bền vững. Thế hệ trẻ chính là lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số.
Thanh niên là thế hệ đầu tiên tiếp cận và làm chủ công nghệ. Vì vậy, việc trang bị kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số là quan để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Ngày hội Thanh niên Chuyển đổi số với nhiều hoạt động thiết thực tạo sân chơi bổ ích để thanh niên Long An thể hiện năng lực, sáng tạo và hiểu biết về chuyển đổi số. Qua đó giúp họ nâng cao nhận thức, hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và cơ hội chuyển đổi số mang lại; phát triển kỹ năng sử dụng công cụ số và khả năng sáng tạo. Bên cạnh đó, ngày hội còn là dịp để giao lưu, học hỏi lẫn nhau cùng xây dựng cộng đồng thanh niên yêu thích công nghệ, thu thập ý tưởng sáng tạo, giải pháp đổi mới để ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, phục vụ cộng đồng.
Thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G/3G) và thúc đẩy triển khai chương trình “Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn vận động Viettel Long An trao tặng 40 điện thoại 4G cho người dân có hoàn cảnh khó khăn chưa có điện thoại 4G tại các đơn vị Tân Hưng, Cần Đước, Bến Lức, Cần Giuộc, Tân An, Tân Trụ, Châu Thành, Thủ Thừa.