70 năm Giải phóng Thủ đô: Hà Nội chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số là một trong những định hướng phát triển của Hà Nội hiện nay. Hai năm qua, các cấp, ngành của Thủ đô đã nỗ lực triển khai theo hướng thông minh, hiện đại, phục vụ hơn 8,5 triệu dân và hàng trăm nghìn doanh nghiệp.

Thay đổi cách làm từ cơ sở

Ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính đã được Hà Nội triển khai quyết liệt trong những năm qua; qua đó hướng tới một Thủ đô văn minh ở thời điểm kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng. Từ việc áp dụng đồng loạt giải quyết hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến, các địa phương đã triển khai các mô hình áp dụng thực tế.

Tại phường Đội Cấn (Ba Đình), mô hình “Hỗ trợ dịch vụ công" được triển khai và đưa vào áp dụng năm 2023. Trong năm 2024, UBND phường Đội Cấn ra mắt mô hình “Chứng thực không chờ, ngoài giờ hành chính” với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động trong việc thực hiện Dịch vụ công trực tuyến, tạo điệu kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận và giải quyết thủ tục hành chính dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng.

Chú thích ảnh
Người dân được hỗ trợ thông tin về dịch vụ công qua ứng dụng Zalo.

Đối với mô hình “Chứng thực không chờ, ngoài giờ hành chính”, người dân có thể đến bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả phường Đội Cấn thực hiện thủ tục hành chính chứng thực từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút thứ ba và thứ năm hàng tuần (áp dụng với thủ tục chứng thực chữ ký và chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận). Mô hình chứng thực ngoài giờ phù hợp với các trường hợp công dân không có điều kiện thực hiện thủ tục trong giờ hành chính.

Đồng thời, đối với các trường hợp người già yếu, không đi lại được, UBND phường bố trí công chức thực hiện trực tiếp thủ tục và nhận kết quả tại nhà vào thời gian trên. Chủ tịch UBND phường Đội Cấn Ngô Thị Minh Hằng cho biết: "UBND phường đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số, xây dựng phường Đội Cấn thông minh năm 2024. Theo đó, giao các bộ phận chuyên môn tham mưu, xây dựng và đề xuất ít nhất 2 sáng kiến kinh nghiệm về chuyển đổi số, cải cách hành chính trong năm 2024. Đến nay, các mô hình đã phát huy hiệu quả, tác động tới đời sống người dân và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức".

Một mô hình nữa mà UBND phường Đội Cấn ra mắt trong tháng 7/2024 là mô hình chuyển đổi số trong Cải cách hành chính “Chạm để kết nối”, xuất phát từ việc đưa Ứng dụng “Công dân Thủ đô số - iHanoi” (một trong những hoạt động nổi bật hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô) để đến gần hơn với nhân dân. Đây là kênh các phản ánh của người dân về các lĩnh vực an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị được UBND phường tiếp nhận kịp thời và xử lý nhanh chóng.

Những mô hình cải cách hành chính cũng đang được triển khai rộng khắp tại các phường, xã của Thủ đô với phương châm: Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; lấy con người là trung tâm; cải cách đóng vai trò dẫn dắt; công nghệ hỗ trợ, thúc đẩy. Đẩy mạnh công tác giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình 4 tại chỗ, gồm: Tiếp nhận - Thẩm định - Phê duyệt - Trả kết quả thủ tục hành chính. Qua đó ghi dấu ấn của một Thủ đô đi đầu trong cải cách hành chính trong dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Việc ứng dụng công nghệ số mang lại lợi ích thiết thực, dễ nhận thấy thời gian qua là việc cấp lý lịch tư pháp qua VNeID. Theo Sở Tư pháp Hà Nội, từ khi triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) đã chấm dứt cảnh người dân xếp hàng chờ đợi. Từ tháng 4/2024, Sở Tư pháp Hà Nội triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID), giúp tiết kiệm nhiều tiền, thời gian của người dân phải đi lại và chờ đợi như trước đây. 

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Đề án 06 và Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Công dân đề nghị cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID được thực hiện với phương thức đơn giản, không phải đính kèm giấy tờ, làm thủ tục trực tuyến. Kết quả Phiếu LLTP (bản điện tử) mặc định được trả về tài khoản của công dân trên ứng dụng VNeID, trên Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn/), Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội (https://dichvucong.hanoi.gov.vn).

Một minh chứng nữa cho thấy ứng dụng chuyển đổi số phục vụ người dân là hoạt động minh bạch hoạt động thu phí trông giữ xe. Từ ngày 15/4/2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thí điểm trông giữ xe không thu tiền mặt, phù hợp với nền kinh tế số, góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; tăng cường quản lý Nhà nước tại các bãi đỗ, điểm trông giữ xe, giảm ùn tắc giao thông.

Đến nay, ứng dụng giải pháp công nghệ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt đạt kết quả khá tích cực. Các điểm, bãi trông giữ cơ bản hoạt động ổn định, người dân đều đồng tình ủng hộ bởi chất lượng dịch vụ tốt hơn, hạn chế được tiêu cực, công khai minh bạch, từng bước xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến giữa tháng 8/2024, tổng số điểm đỗ xe đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt đã đạt 99 điểm tại 8 quận, trong đó, Hoàn Kiếm có 49 điểm, Cầu Giấy 11 điểm, Nam Từ Liêm 10 điểm, Đống Đa 9 điểm...

Trước những kết quả tích cực đó, ngày 6/9/2024, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 4696/QĐ-UBND, ban hành Quy chế tạm thời trong công tác triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt. Theo Quy chế, những bãi đỗ xe đang khai thác, bãi đỗ xe đang đầu tư xây dựng đều phải được ứng dụng công nghệ vào thực hiện 2 mục tiêu: Tìm kiếm điểm đỗ xe và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe. Công nghệ được sử dụng tại tất cả các điểm trông giữ xe phải bảo đảm tiêu chí “2 không, 1 có”: Không dùng tiền mặt, không dừng; có biên lai, hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền, cơ quan thuế.

Các điểm trông giữ xe ứng dụng công nghệ cũng sẽ được kết nối với phần mềm iHanoi để thuận tiện cho người dân Thủ đô sử dụng, cũng như đánh giá, phản ánh bất cập đến cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, tiện ích của ứng dụng công nghệ trông giữ xe không dùng tiền mặt là giúp quản lý, giám sát toàn bộ hoạt động tại các điểm đỗ xe theo thời gian thực. Mỗi lần xe vào điểm đỗ, hệ thống ghi nhận thời gian xe vào và tự động tính toán số tiền khi ra khỏi điểm đỗ. Do đó, chủ xe sẽ trả đúng giá quy định và không bị thu quá giá vé. Số tiền khách hàng thanh toán sẽ qua đơn vị trung gian là các ngân hàng, trong vòng 24 tiếng sẽ đối soát và chuyển về số tài khoản công ty. Việc thanh toán này còn giúp thống kê, giám sát xe ra vào điểm, bãi xe chính xác, phí trông xe được thu đúng, thu đủ và triệt tiêu được việc thu trái quy định, thu tiền không xuất chứng từ.

Tương tác với người dân để phục vụ tốt hơn

Mới đây, Hà Nội triển khai Ứng dụng “Công dân Thủ đô số” (iHanoi) là kênh tương tác số thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ứng dụng cũng mang tới những thông tin hữu ích, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh tới người dân ở mọi khía cạnh cuộc sống, gồm: Giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai, nông nghiệp…

Chú thích ảnh
Mô hình "Chạm để kết nối" góp phần tăng tỷ lệ người dân cài đặt và đăng ký tài khoản iHanoi.

Thông qua ứng dụng iHanoi, người dân có thể gửi phản ánh tới các cấp chính quyền thành phố về những vấn đề đời sống dân sinh bức xúc; gửi các phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định về thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức. Người dân có thể đăng ký với Ban tiếp công dân Hà Nội để trực tiếp trình bày các vấn đề mình muốn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh...

Đáng chú ý, ứng dụng iHanoi cung cấp tiện ích camera giao thông, bản đồ ngập úng, cho phép người dân theo dõi tình hình giao thông tại các tuyến đường thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm để chủ động lựa chọn lộ trình đi phù hợp. Người dân cũng có thể tra cứu các thông tin phạt nguội; thực hiện thanh toán phí, lệ phí hành chính, nộp phạt giao thông…

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội, chuyển đổi số không phải là bài toán về công nghệ thông tin, mà là chuyển đổi cách thức quản trị, dùng công nghệ số để tạo ra mô hình quản trị hiện đại, năng suất lao động cao hơn.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ, chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh là trách nhiệm, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài... Việc hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết đòi hỏi sự thay đổi nhận thức sâu sắc hơn nữa, sự vào cuộc quyết liệt, tăng tốc triển khai nhiệm vụ của các cấp, ngành thành phố.

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 18, quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh ở Thủ đô được đánh giá đạt kết quả thực chất. Đơn cử như hệ thống giải quyết thủ tục hành chính liên thông 3 cấp ở Hà Nội do Sở TT&TT xây dựng đã phục vụ đắc lực cho cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính ở Hà Nội bền vững trong tốp 3 của cả nước.

Kết quả về chuyển đổi số trên địa bàn TP Hà Nội đã bước đầu được người dân và doanh nghiệp ghi nhận. Ngoài ra, các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã diễn ra thuận lợi. Sở TT&TT cũng đã phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện tổ chức nhiều mô hình thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, trông giữ xe, chi trả an sinh xã hội... tạo ra hiều hình thức, mô hình chuyển đổi số được thực hiện căn cơ, thiết thực, phục vụ trực tiếp người dân, doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Xuân Minh - Thế Đoàn/Báo Tin tức
70 năm Giải phóng Thủ đô: Phong trào sáng kiến sáng tạo – động lực phát triển bền vững
70 năm Giải phóng Thủ đô: Phong trào sáng kiến sáng tạo – động lực phát triển bền vững

Trong số 100 “Sáng kiến sáng tạo trong công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô” được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tuyên dương dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, thì có tới 50 sáng kiến thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN