Những sáng kiến, sáng tạo của công nhân lao động hướng tới chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô, đã giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra nhiều giá trị mới, có ý nghĩa tích cực về mặt an sinh xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng tiêu cực của tình hình chính trị, kinh tế thế giới. Vượt lên những khó khăn thách thức, phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” vẫn luôn được công nhân lao động (CNLĐ) và người sử dụng lao động ở hầu hết các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hưởng ứng, cụ thể hóa qua việc tổ chức “Đại hội Kaizen”; các Hội thi thúc đẩy sự sáng tạo trong mỗi đoàn viên, CNLĐ.
Điển hình như: Hội thi Casting (tay nghề đúc), Hội thi Glazing (tay nghề phun men) của Công ty TNHH Toto Việt Nam; Hội thi Measurement Olympic (Kỹ năng đo đạc); Hội thi kỹ năng lắp ráp máy in văn phòng của Công ty TNHH Canon Việt Nam; Hội thi công nhân đa kỹ năng của Công ty TNHH thời trang Star; Hội thi kỹ năng lắp ráp; Hội thi kỹ năng chất lượng của Công ty TNHH Denso Việt Nam; Hội thi Group activity Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sei Việt Nam ...để tìm ra hàng nghìn sáng kiến tiêu biểu cấp cơ sở.
Từ đề xuất của công đoàn cơ sở (CĐCS), Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã vinh danh 631 “Sáng kiến, sáng tạo” cấp trên cơ sở. Có sáng kiến có thể đong đếm được giá trị làm lợi thành số tiền cụ thể nhưng cũng có những sáng kiến mang lại giá trị về cải thiện môi trường làm việc, sức khỏe người lao động nhưng tựu chung lại sáng kiến đều làm tăng năng suất lao động, cải tiến mẫu mã, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện chất lượng công việc, tăng sản lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân lực, nâng mức thu nhập cho người lao động.
Theo đó, một số sáng kiến đáng chú ý như sáng kiến “Đổi mới chi phí mô hình chiến lược G15 của ngành IJP” giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa hiệu xuất làm việc bằng việc cải tiến và áp dụng tự động hóa cho từng công đoạn, giảm chi phí sản xuất của chị Nguyễn Ngọc Hà - Công ty TNHH Canon Việt Nam, với giá trị làm lợi hơn 160 tỷ đồng/năm là một trong những sáng kiến tiêu biểu năm nay.
Chia sẻ về sáng kiến, chị Hà cho biết, là một nhân viên Phòng Quản lý chi phí trực thuộc bộ phận gián tiếp, trước tình hình khó khăn về nguồn nhân lực lao động cũng như sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tình hình kinh tế trên thị trường nói chung, Tập đoàn Canon trên toàn thế giới và Công ty TNHH Canon Việt Nam nói riêng, chị cùng các đồng nghiệp luôn trăn trở, mong muốn cải tiến tìm ra những đề án làm việc mới nhằm hỗ trợ khắc phục những khó khăn.
Chị Hà cùng các đồng nghiệp không ngừng tìm hiểu, học hỏi, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của ban lãnh đạo Công ty để đưa ra phương thức làm việc mới áp dụng tự động hóa nhằm giảm gánh nặng cho nguồn nhân lực, tăng tính chính xác, giảm thời gian làm việc.
Hơn 10 năm làm việc tại Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam, anh Tạ Đình Nhất, đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho doanh nghiệp, gần đây nhất là sáng kiến cải tiến quy trình ép bảng mạch, tiết kiệm vật liệu ép bảng mạch, giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp mỗi tháng gần 1 tỷ đồng.
Anh Tạ Đình Nhất chia sẻ: “Tôi đã đưa ra cải tiến giảm chi phí. Trước đây, mỗi một bản mạch là phải dùng 2 tờ vật liệu để ép, rồi bỏ đi, giá thành rất lớn. Nhưng khi chuyển sang ép trên 3 lót hàng nhưng chỉ dùng hai tờ vật liệu thì 1 tháng tiết kiệm được gần 1 tỷ cho công ty. Làm việc tại công ty đến nay 12 năm, những sáng kiến của người lao động đều được ghi nhận, trong đó công ty cũng có bằng khen, phần thưởng, để người lao động dám nghĩ dám làm để đem lại lợi nhuận cho Công ty”.
Chị Nguyễn Thị Nguyên, nhân viên xuất sắc của Công ty TNHH Sumitomo Heavy Industries Việt Nam, đã khẳng định vai trò tiên phong trong phong trào cải tiến tại công ty. Với trình độ chuyên môn Trung cấp nhưng tinh thần sáng tạo mạnh mẽ, chị Nguyên thành công trong việc cải tiến phần mềm U-Wavepak đo khuôn và jig lưu dữ liệu tự động thay cho việc đo khuôn và jig phụ thuộc vào thước kẹp và ghi chép thủ công, có thể dẫn đến nguy cơ sai sót và chậm trễ trong đánh giá chất lượng. Nhờ sáng kiến này, việc đo đạc được thực hiện tự động và chính xác hơn, đồng thời hệ thống còn cảnh báo nếu số liệu nằm ngoài tiêu chuẩn, giúp tăng cường độ chính xác và tốc độ xử lý. Những cải tiến của chị Nguyễn Thị Nguyên đã mang lại lợi ích to lớn cho Sumitomo Heavy Industries, không chỉ về mặt tài chính mà còn về hiệu quả quy trình và chất lượng sản xuất.
Sáng kiến “Tự chủ trong thiết kế bồn cầu mới tại Việt Nam, giảm phụ thuộc vào công ty mẹ khi phát triển sản phẩm mới” được anh Kim Đình Dũng, Công ty TNHH ToTo Việt Nam triển khai mang lại nhiều hiệu quả. Anh Dũng nhận thấy bất cập khi các sản phẩm công ty đang sản xuất đều được thiết kế và phát triển tại Nhật Bản sau đó chuyển giao sang Việt Nam sản xuất làm mất nhiều thời gian. Sáng kiến được anh Dũng chủ động đề xuất, đào tạo con người, nghiên cứu, học tập để Việt Nam chủ động thiết kế sản phẩm bồn cầu và chậu rửa mặt. Ý tưởng của anh Dũng đã được ban lãnh đạo công ty chấp thuận, trong thời gian từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, các kỹ sư Việt Nam đã thiết kế thành công 2 sản phẩm mới mang lại sự chủ động và lợi nhuận cho công ty 12,6 tỷ đồng.
Nhiều tấm gương lao động giỏi, sáng kiến sáng tạo tiêu biểu xuất sắc nữa trong phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, đang khẳng định vai trò, vị trí của người lao động, tạo ra những giá trị kinh tế, xã hội to lớn, không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Thành phố.