Hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội tập trung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, an toàn đáp ứng các nhiệm vụ về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; xã Song Phượng là một trong những địa phương được chọn xây dựng mô hình thôn nông thôn mới thông minh của huyện Đan Phượng (Hà Nội), với nhiều cách làm sáng tạo.
Mang lại sự tiện lợi cho người dân
Ông Nguyễn Vân, từng sống ở xã Song Phượng đã phải đi làm lại giấy đăng ký kết hôn do bị mất. Nhờ người thân hướng dẫn, ông đã vào dịch vụ công trực tuyến kê khai và tranh thủ đầu tháng 10 về thăm quê, ông đến trụ sở xã lấy giấy tờ cấp lại nhanh chóng...
“Hiện nay, dịch vụ công trực tuyến thuận tiện. Khi gọi điện liên hệ, tôi được hướng dẫn cụ thể để đăng nhập vào làm dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đăng ký các thủ tục sớm, việc cấp lại giấy tờ diễn ra nhanh chóng, mang lại sự tiện lợi cho người dân nhiều...”, ông Nguyễn Vân chia sẻ.
Ông Bùi Văn Trường, trưởng thôn Thượng Tháp (xã Song Phượng) cho biết: Việc triển khai lắp đặt camera giám trong đề án xây dựng thôn thông minh không chỉ giám sát trật tự an ninh, an toàn, mà còn làm thay đổi hành vi trong bảo vệ môi trường, trật tự thôn xóm.
“Thôn Thượng Tháp hiện đã lắp đặt 24 camera tại các ngõ chính do các xóm trưởng tự kiểm soát. Qua theo dõi, tình hình trật tự an ninh tại địa phương đã thay đổi đáng kể. Những vụ trộm cắp vặt gần như giảm hẳn. Nhờ đó, thôn Thượng Tháp sớm hoàn thành chỉ tiêu thôn thông minh trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Bùi Văn Trường cho biết...
Tiên phong xây dựng tiêu chí thông minh
Ông Ngô Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết, căn cứ Nghị quyết số 28-NQ/HU của Huyện ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, đầu tháng 10/2022, xã Song Phượng đã xây dựng kế hoạch xây dựng mô hình “Thôn Thông minh, Tổ tự quản thông minh”; qua đó hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô.
“Ban đầu, Đảng uỷ, UBND xã Song Phượng dự định làm thí điểm tại 1 thôn, sau đó nhân rộng mô hình ra 4 thôn. Tuy nhiên, sau khi họp bàn, xã quyết định triển khai đồng loạt tại cả 4 thôn và thành lập Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo xã, thôn, Bí thư Đoàn thanh niên, với 102 thành viên tham gia”, ông Ngô Thế Anh chia sẻ.
“Khó khăn nhất khi triển khai chuyển đổi số là chưa có tiêu chí, hướng dẫn từ Trung ương, nên Ban chỉ đạo xã phải tham khảo tư liệu từ nhiều nguồn. Ban đầu, xã chỉ lắp camera giám sát và đèn năng lượng mặt trời, sau đó bổ sung thêm hướng dẫn quét QR để giải quyết các thủ tục hành chính hướng đến thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử (Chính quyền số) – xã hội số - kinh tế số; đưa công nghệ số vào cuộc sống, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị”, ông Ngô Thế Anh cho biết.
Sau khi quyết định thành lập, tổ công nghệ số cộng đồng đã đi từng nhà rà soát, với 97% số hộ có người sử dụng điện thoại thông minh, mỗi gia đình có 1 người tham gia tổ tự quản qua zalo. Đồng thời, xã phát động tuyên truyền làm clip trên nền tảng xã hội, với cuộc thi “Xuân sắc quê tôi”. Kết quả, Ban tổ chức chọn ra 3 clip xuất sắc nhất gồm: “Tháp Thượng chuyển mình bởi công nghệ số với mô hình Thôn thông minh”; “Thu Quế - một làng quê thanh bình”; “Thuận Thượng lan tỏa nếp sống xanh”, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương.
UBND xã Song Phượng cũng đã lập mã QR hướng dẫn 5 thủ tục hành chính (khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân) và lắp đặt 20 bảng tại nhà văn hóa, điếm công cộng và đầu một số xóm, ngõ chính trên địa bàn xã để người dân dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, xã cũng thành lập nhóm zalo “Hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính tư pháp - hộ tịch”, do cán bộ công chức Tư pháp – hộ tịch xã làm trưởng nhóm để tiếp nhận, trả lời, hướng dẫn người dân về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết và có thể hẹn trước thời gian hoặc gửi trước thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để người dân không phải chờ đợi như trước.
Để tăng cường hạ tầng viễn thông, các thôn tổ chức vận động xã hội hóa trang bị đồng bộ hệ thống internet, wifi; xây dựng một số điểm phát wifi miễn phí tại nơi công cộng, sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí, vườn hoa cây xanh cho người dân bằng việc kết nối băng thông rộng với cáp quang phủ sóng, kết nối 4G, tiến đến là 5G. Xã được Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) hỗ trợ lắp đặt thiết bị mở rộng phủ sóng wifi khu trung tâm các thôn. Hiện nay, trung bình mỗi thôn, số hộ dân có sử dụng mạng internet, wifi đạt gần 100%; số hộ dân có sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng (đèn LED) là 100%.
"Các thôn, các tổ tự quản vận động xã hội hóa cán bộ, đảng viên và nhân dân trong các xóm, ngõ được 236 triệu đồng để lắp đặt 68 camera giám sát và 91 đèn năng lượng mặt trời tại các xóm, ngõ. Nhận thấy lợi ích của những thiết bị này, xã đã lắp 147 đèn năng lượng mặt trời và gần 600 camera an ninh", ông Ngô Thế Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, trung bình mỗi thôn trong xã có khoảng 20 cá nhân sử dụng mạng xã hội và sản giao dịch điện tử để phục vụ kinh doanh các mặt hàng đa dạng từ nông sản tới tạp hóa, điện tử... mang lại tổng doanh thu khoảng trên 30 tỷ đồng/năm.
Tổ công nghệ số cộng đồng của xã đã hướng dẫn Hợp tác xã Nông nghiệp xã thành lập trang facebook “Nông sản sạch Song Phượng” do Chủ tịch Hội nông dân và Giám đốc HTX Nông nghiệp Song Phượng làm người đại diện để giới thiệu và hồ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: Kẹo lạc thôn Tháp Thượng, nấm các loại của HTX Dịch vụ thương mại nông nghiệp Đạt Phong thôn Thống Nhất, bưởi diễn thôn Thuận Thượng và các sản phẩm khác từ nông nghiệp trên địa bàn xã, với gần 100 thành viên là Hội viên nông dân xã tham gia.
Ông Bùi Văn Đức, Phó Bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch HĐND xã Song Phượng cho biết: "Xã có 1.216 hộ, với trên 5.300 nhân khẩu. Với lợi thế dân cư tập trung gần thị trấn, hạ tầng viễn thông cơ bản, nên việc triển khai xây dựng nông thôn mới thông minh thuận lợi. Sau thành công của xã Song Phượng trong việc xây dựng tiêu chí xã nông thôn mới thông minh, UBND huyện đã tổ chức hội nghị tổng kết cách làm tại xã Song Phượng và nhân rộng ra toàn huyện".
Hiện thu nhập bình quân của xã đạt trên 88 triệu đồng/người, việc xây dựng nông thôn mới thông minh góp phần xây dựng nông thôn xanh sạch đẹp, đảm bảo an ninh trật tự, tạo sự tương tác thuận lợi giữa chính quyền và người dân.
Về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, ngày 28/6/2024, Hà Nội đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh. Tiếp tục duy trì và vận hành các ứng dụng, dịch vụ như: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố, Ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng…
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội.