Chuyển đổi tư duy làm việc
Tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Song Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội), chương trình xây dựng nông thôn mới thông minh được triển khai từ tháng 10/2022 với mục tiêu tuyên truyền cho người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, lắp hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, lắp đặt hệ thống camera giám sát...
Ông Ngô Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết: “Ban đầu, Đảng uỷ, UBND xã Song Phượng dự định làm thí điểm tại 1 thôn, sau đó nhân rộng mô hình ra 4 thôn. Tuy nhiên, sau khi họp bàn, xã quyết định triển khai đồng loạt tại cả 4 thôn và thành lập Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo xã, thôn, Bí thư Đoàn thanh niên, với 102 thành viên tham gia. Xã đã lập mã QR hướng dẫn 5 thủ tục hành chính (khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân); lắp đặt 20 bảng tại nhà văn hóa, điếm công cộng, một số xóm, ngõ... để người dân dễ dàng tiếp cận".
Đồng thời, xã đã thành lập nhóm zalo “Hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính tư pháp-hộ tịch”, do cán bộ công chức Tư pháp-hộ tịch xã làm trưởng nhóm, để tiếp nhận, trả lời, hướng dẫn người dân về hồ sơ, quy trình giải quyết, đảm bảo người dân không phải chờ đợi, mất thời gian đi lại khi không mang đầy đủ giấy tờ như trước...
Để tăng cường hạ tầng viễn thông, các thôn tổ chức vận động xã hội hóa trang bị đồng bộ hệ thống internet, wifi; xây dựng một số điểm phát wifi miễn phí tại nơi công cộng, sinh hoạt cộng đồng, điểm vui chơi giải trí. Hiện nay, trung bình mỗi thôn, số hộ dân có sử dụng mạng internet, wifi đạt gần 100%; số hộ dân có sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng (đèn LED) là 100%...
Các thôn, các tổ tự quản vận động xã hội hóa cán bộ, đảng viên và nhân dân trong các xóm, ngõ được 236 triệu đồng để lắp đặt 68 camera giám sát và 91 đèn năng lượng mặt trời. Nhận thấy lợi ích của những thiết bị này, xã đã lắp 147 đèn năng lượng mặt trời và gần 600 camera an ninh. Bên cạnh đó, trung bình mỗi thôn trong xã có khoảng 20 cá nhân sử dụng mạng xã hội và sản giao dịch điện tử để phục vụ kinh doanh các mặt hàng đa dạng từ nông sản tới tạp hóa, điện tử... mang lại tổng doanh thu khoảng trên 30 tỷ đồng/năm. Hai sản phẩm OCOP của xã cũng được đưa lên các trang thương mại điện tử để bán hàng...
Ông Bùi Văn Đức, Phó Bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch HĐND xã Song Phượng đánh giá: "Xã có 1.216 hộ, với trên 5.300 nhân khẩu. Với lợi thế dân cư tập trung gần thị trấn, hạ tầng viễn thông cơ bản, nên việc triển khai xây dựng nông thôn mới thông minh thuận lợi. Về cơ bản, tất cả văn bản của UBND xã gửi các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử được ký số chuyên dùng trực tiếp bởi lãnh đạo xã. Người dân được giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng. Sau thành công của xã Song Phượng trong việc xây dựng tiêu chí xã nông thôn mới thông minh, UBND huyện Đan Phượng đã tổ chức hội nghị tổng kết cách làm tại xã Song Phượng và nhân rộng ra toàn huyện".
Trong khi đó, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) triển khai xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh từ năm 2023. Chỉ sau thời gian ngắn, người dân nơi đây đã thụ hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Ông Phạm Minh Bắc, Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho hay, xã hiện có trên 9.500 khẩu, với trên 2.400 hộ. Về địa hình, cơ bản là đồi núi thấp, riêng 2 thôn đặc biệt khó khăn Nậm Chà, Nậm Vằn có địa hình cao hơn, 100% dân số là đồng bào người Dao, trình độ dân trí hạn chế. Xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh, con người là yếu tố quyết định. Sự thay đổi tư duy, nhận thức của con người trong việc chuyển từ phương thức thủ công sang ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh tế xã hội là điểm cốt lõi để thực hiện mô hình thành công, hiệu quả.
Đến nay, tất cả 14 thôn của xã Gia Phú đều đã lập các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), với 116 thành viên hoạt động tích cực. Về xã hội số, đến hết tháng 6/2024, gần 96% người dân được cài đặt app VneID; trên 82% người dân từ đủ 14 tuổi trở lên có tài khoản định danh mức độ 2 trên app VneID; 100% cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện thanh toán qua cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hộ gia đình triển khai địa chỉ số… Về kinh tế số, 11/11 sản phẩm OCOP của xã đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) giao dịch, 100% hộ kinh doanh, hợp tác xã được tập huấn về thương mại điện tử...
Ngoài ra, 95% văn bản của UBND xã gửi các cơ quan Nhà nước hiên nay dưới dạng điện tử được ký số chuyên dùng trực tiếp bởi lãnh đạo xã (trừ các văn bản mật); 100% giao dịch trên cổng dịch vụ hành chính công được xác thực điện tử; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến toàn trình; 80% cuộc họp nội bộ của xã không in tài liệu giấy...
Việc triển khai xã nông thôn mới thông thông minh đang mang lại những hiệu quả thiết thực, rõ nét nhất là các thủ tục hành chính công khai, minh bạch và rút ngắn thời gian giải quyết. Các mô hình thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhanh hơn, giảm bớt khâu trung gian.
Thúc đẩy kinh tế số, xã hội số
Ông Nguyễn Phú Tiến. Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc xây dựng mô hình "xã thông minh" trong chiến lược Chuyển đổi số quốc gia nói chung, cũng như xây dựng nông thôn mới nói riêng, nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã “thông minh hơn”. Bên cạnh đó, chuyển đổi số tại các xã nông thôn mới góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng công nghệ số để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng Internet...
Việc xây dựng xã thông minh hay chuyển đổi số cấp xã là nhu cầu cấp thiết, trong đó lấy “người dân làm trung tâm”, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa nông thông và thành thị thông qua việc ứng dụng công nghệ số để mang lại nhiều tiện ích, phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân ở các làng xã giàu có hơn, hạnh phúc hơn.
Để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị thông qua thực hiện chuyển đổi số ở cấp xã, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều bước triển khai cụ thể thông qua các chương trình thí điểm chuyển đổi số cấp xã hay lồng ghép vào các chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.
Từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 2605/BTTTT-THH gửi UBND một số tỉnh theo chương trình thí điểm về việc phối hợp triển khai chuyển đổi số tại một số xã. Qua quá trình triển khai, nhiều địa phương đã có những kết quả nhất định như tại xã Yên Hoà, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn và nhiều xã thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Đồng Nai, Quảng Nam… Từ chương trình thí điểm, nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng kết quả và thành công theo kế hoạch hoàn thành 100% chuyển đổi số cấp xã theo phiên bản 1.0 năm 2024.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có hướng dẫn tạm thời về triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử. Năm 2024, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông “Ban hành Khung tiêu chí và phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã đoạn 2023 - 2025 (Phiên bản 1.0).
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số tại cấp xã, Cục Chuyển đổi số Quốc gia cũng nhận thấy, những khó khăn xuất phát từ nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp chưa đầy đủ về chuyển đổi số và các nội dung liên quan đến chuyển đổi số như: Xây dựng chính quyền số, hạ tầng số, kênh giao tiếp với người dân, đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu địa phương trên internet và các dịch vụ thông minh.
Sự vào cuộc và quyết tâm chính trị về chuyển đổi số của lãnh đạo cấp xã còn chưa quyết liệt; một số xã do chưa được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quan tâm, nên việc triển khai còn chậm và không đồng bộ. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn lực (nhân lực, kinh phí đầu tư). Ngoài vấn đề lớn là kinh phí, phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan chỉ thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm, nên việc chủ động tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời...