Chuyển đổi số giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển các địa phương

Ngày 8/10, nhiều địa phương tổ chức phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, tổng kết các hoạt động chuyển đổi số; đánh giá, triển khai, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt.

Sáng tạo ứng dụng số trong các khu công nghiệp

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan các gian hàng chuyển đổi số của các đơn vị, công ty, doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Ngày 8/10, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 (10/10); Lễ khai trương mạng 5G tại tỉnh Bình Phước và Hội thảo chuyên đề "Sáng tạo ứng dụng số trong các khu công nghiệp".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, hội thảo chuyên đề “Sáng tạo ứng dụng số trong các khu công nghiệp” không chỉ là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, mà còn là cơ hội để các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bình Phước, các diễn giả, doanh nghiệp công nghệ số, cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân tại tỉnh nhau tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất, kinh doanh, vào công tác quản trị, điều hành để nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng sản phẩm.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước Nguyễn Minh Quang cho biết, Bình Phước đã và đang phấn đấu trở thành một trong những địa phương tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và kinh tế. Với sự góp mặt của mạng 5G, hạ tầng số của tỉnh hiện nay có 2075 trạm phát sóng, trong đó 2075 trạm 4G, 40 trạm 5G và mạng lưới cáp quang số hóa toàn tỉnh với hơn 95 nghìn km. Tốc độ truy nhập mạng internet trung bình của tỉnh đạt 54,2 Mbps, đạt mức bình quân chung của cả nước.

Nghị quyết 04-NQ/TU, Tỉnh ủy Bình Phước đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số của tỉnh chiếm 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số của mỗi ngành chiếm tỷ trọng từ 7 - 10% trong tổng GRDP của tỉnh. Hiện, tỉnh đã cấp hơn 50.366 chữ ký số cho người dân, doanh nghiệp để thực hiện dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử khác. 100% người dân, doanh nghiệp khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến đều được xác thực qua VneID; 9 khu công nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngành thuế thực hiện nhiều chương trình, ứng dụng liên quan tới chuyển đổi số và hiện đại hóa công tác thuế…

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Cùng ngày, tại huyện Văn Lâm, UBND tỉnh Hưng Yên đã phát động Ngày Chuyển đổi số tỉnh và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, việc thực hiện chuyển đổi số là quá trình lâu dài, duy trì thường xuyên và phải gắn kết với tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số, trong đó tập trung vào các nội dung như đẩy mạnh thông tin, truyền thông về Ngày Chuyển đổi số tỉnh, Ngày Chuyển đổi số quốc gia và lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số... Sở Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin tăng cường quản lý thuê bao, xử lý sim có thông tin không đầy đủ, không đúng theo quy định; đồng thời triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng các giải pháp số như văn phòng điện tử, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử...

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên Bùi Văn Sỹ, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án Chuyển đổi số, công tác xây dựng thể chế về chuyển đổi số được thực hiện kịp thời, tương đối đầy đủ. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ, kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng; mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh được triển khai tại 100% cơ quan, đơn vị ở cả 3 cấp hành chính với trên 200 điểm kết nối. Toàn tỉnh hiện nay có trên 10.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn với trên 180.000 sản phẩm và gần 11 triệu giao dịch/năm...

Thử nghiệm, triển khai các mô hình mới, cách làm hay trong chuyển đổi số

Chú thích ảnh
Các đại biểu thăm các gian hàng giới thiệu chuyển đổi số. Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN

Cũng trong ngày 8/10, tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số năm 2024, với 117 điểm cầu cấp huyện, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các ý kiến chia sẻ, tham luận định hướng về chuyển đổi số như: định hướng thúc đẩy kinh tế số và xã hội số tỉnh Bắc Kạn; Trung tâm dữ liệu – Hạ tầng số đổi mới sáng tạo; định hướng chuyển đổi số hướng đến công dân các tỉnh, thành phố; kết quả xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của huyện Chợ Mới; hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại phường Sông Cầu năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh, thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số; tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số cơ bản, tạo và duy trì thói quen sử dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần tận dụng tối đa các nguồn lực, cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nêu gương, tiên phong trong việc thử nghiệm, triển khai các mô hình mới, cách làm hay trong chuyển đổi số để làm điểm, từ đó đánh giá, nhân rộng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục duy trì việc triển khai và nhân rộng mô hình xã chuyển đổi số...

Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 09-CT/TU của Tỉnh ủy Bắc Kạn và các chương trình/kế hoạch, đề án của UBND tỉnh về chuyển đổi số, đến nay, quá trình chuyển đổi số tại tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều kết quả đáng khích lệ như: cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; 100% đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính; người dùng internet đạt 91%; người dân (từ 14 tuổi trở lên) có tài khoản định danh điện tử đạt 58,9%; người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân đạt 100%...

Dịp này, Ban Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn” năm 2024 đã tổng kết trao các giải thưởng cho tổ chức, cá nhân đoạt giải.

Phóng viên TTXVN các địa phương
Rút ngắn chuyển đổi số giữa thành thị và nông thôn
Rút ngắn chuyển đổi số giữa thành thị và nông thôn

Công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra rộng khắp trong 4 năm qua, lan toả tới các vùng nông thôn, miền núi. Từ việc thực hiện xử lý thủ tục hành chính trên môi trường mạng, đến nay, người dân đã dần làm quen với thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN