Nhiều hộ gia đình nhận thức về giảm nghèo có chuyển biến tính cực, phong trào thoát nghèo, chống tái nghèo được lan tỏa sâu rộng ở nhiều nơi, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ghi nhận tại huyện biên giới Bù Gia Mập, thực hiện chính sách tín dụng đối với các hộ nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập đã phối hợp với UBND các xã, hội đoàn thể nhận ủy thác và các tổ tiết kiệm vay vốn dưới thôn ấp để rà soát, bình xét những đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách. Nhiều hộ dân được hỗ trợ từng bước thoát nghèo từ các giải pháp củng cố, duy trì, nâng cao nguồn thu nhập ổn định mang tính bền vững.
Đặc biệt, để chống tái nghèo cho người dân, thời gian qua, các cấp, ngành huyện Bù Gia Mập đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các hộ vừa thoát nghèo duy trì phát triển sản xuất, chăn nuôi. Trong đó, chương trình nguồn vốn vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập đã, đang phát huy hiệu quả, giúp người nghèo tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống bền vững.
Hộ gia đình ông Tằng Nhì thuộc diện nghèo của thôn Bình Giai, xã Phước Minh. Năm 2015, gia đình ông Tằng Nhì được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập cho vay 60 triệu đồng để đầu tư trồng 30 cây sầu riêng. Đến năm 2020, vườn sầu riêng đã cho thu hoạch có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng. Từ đó, gia đình ông Nhì từng bước thoát cảnh vừa ăn bữa trước đã lo bữa sau.
Gia đình ông Nhì dù đã có nguồn thu nhập từ vườn cây sầu riêng, nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong tái đầu tư. Để tạo điều kiện thoát nghèo, củng cố nguồn lực phát triển sản xuất vững chắc hơn, Ngân hàng Chính sách huyện Bù Gia Mập đã tiếp tục hỗ trợ cho gia đình ông Tằng Nhì vay 40 triệu đồng để chăm sóc vườn và tiếp tục trồng mới 60 cây sầu riêng. Ông Tằng Nhì chia sẻ: “Lúc trước chưa vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội gia đình tôi khó khăn lắm. Được hỗ trợ nguồn vốn chính sách để trồng sầu riêng, giờ tôi thấy nguồn thu tạm ổn định, cuộc sống tốt hơn trước. Nay được hỗ trợ vay vốn để chống tái nghèo gia đình tôi phấn khởi và sẽ cố gắng làm ăn hơn”.
Cùng với gia đình ông Tằng Nhì, gia đình chị Lý Say Kín cũng ở thôn Bình Giai đã thoát nghèo đầu năm 2021 nhờ nguồn hỗ trợ vay vốn chính sách. Tuy nhiên, nguồn thu chính từ hơn 0,5 ha cây ăn trái của gia đình chị vẫn còn thấp và chưa bền vững. Với nhu cầu về vốn đầu tư, chị Kín tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay 70 triệu đồng làm chuồng trại để nuôi dê và mua vật tư chăm sóc cây trồng. Chỉ sau gần 1 năm, từ 9 con dê giống, nay gia đình chị đã có 18 con dê. Thu nhập từ cây trồng, vật nuôi giúp đời sống dần được nâng cao, ổn định và vững vàng hơn. Chị Lý Say Kín phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi đã thoát nghèo rồi, năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn thêm để chống tái nghèo. Gia đình tôi chăn nuôi thêm đàn dê phát triển tốt nên rất mừng vì có nguồn thu. Nguồn thu từ đàn dê với trồng trọt đến nay gia đình tôi đã có kinh tế vững chắc hơn, yên tâm trong lao động sản xuất”.
Không chỉ gia đình ông Tằng Nhì, chị Lý Say Kín, còn rất nhiều hộ ở địa phương này đã thoát nghèo bền vững. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh Đỗ Tấn Tài, thời gian qua, địa phương được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phân bổ nguồn vốn hơn 47 tỷ đồng và giải quyết cho 992 hộ gia đình. Nguồn vốn đã giúp không ít hộ gia đình thoát nghèo, chủ động phát triển kinh tế bền vững chống tái nghèo.
Để chống tình trạng tái nghèo trở lại, từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập đã triển khai giải ngân hơn 74,2 tỷ đồng cho 1.690 hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn để mở rộng phát triển sản xuất, ổn định thu nhập mang tính bền vững, từng bước nâng cao đời sống.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập Nguyễn Thị Thoa cho biết: “Hiện nay, ngân hàng đang triển khai rất nhiều chương trình cho vay, trong đó có chương trình cho vay là hộ cận nghèo. Đây là bước đệm để cho những hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn, có nhu cầu đều được tiếp cận vốn; cũng là yếu tố để cho những hộ nghèo thoát nghèo được tiếp cận chính sách vốn để bền vững hơn, chống tái nghèo trở lại”.
Thời gian qua, nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân; kịp thời tiếp sức cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.