Nâng cao hiệu quả nguồn vốn chính sách ở Bạc Liêu

Các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới ở Bạc Liêu.

Chú thích ảnh
Điểm giao dịch hằng tháng của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi.

Trở lại Bạc Liêu, chúng tôi được chứng kiến cuộc sống của người dân ở ấp Phước Thạch, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi thêm no đủ từ đồng vốn tín dụng ưu đãi. Như nhà bà Lâm Thị Lệ, dân tộc Khmer có khá nhiều đất nhưng trước kia thiếu vốn, không biết làm ăn nên đất bị bỏ hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Được sự động viên của cán bộ hội phụ nữ cùng sự hỗ trợ tận tình của NHCSXH huyện, bà Lê đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi đào ao nuôi cá giống. Loại cá được bà chọn nuôi là cá rô phi Đài Loan, lớn nhanh, đẻ dầy, ít bệnh tật. Hiện gia đình bà Lệ có 3 ao cá, cứ trong vòng 1 tháng bán được 1 mẻ cá giống và 1 năm 2 vụ đánh bắt cá lớn, thu lãi 20-30 triệu đồng/vụ. Ngoài ra bà còn tận dụng vườn tược nuôi vịt, trồng cây ăn trái để tăng thu nhập.

Còn ở khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, mọi người nhắc đến cô gái Lê Hồng Gương, sinh năm 1984 như một hình mẫu giảm nghèo bền vững. Cách đây 3 năm, gia đình chị Gương thuộc diện hộ nghèo của địa phương, được bình xét vay 40 triệu đồng vốn ưu đãi. Chị đã đầu tư vào ghe cào nâng công suất 6CV để đủ sức đánh bắt xa bờ hơn và tăng thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Không chỉ dừng lại ở đó, gắn bó với nghề biển cha truyền con nối, chị Gương hiểu những tiềm năng từ biển khơi mang lại. Suy nghĩ đó càng thôi thúc chị hơn nữa để giữa mùa dịch COVID-19, chị mạnh dạn vay tiếp vốn ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo cộng số vốn tích lũy có được nâng cấp công suất máy móc, vươn khơi đánh bắt hải sản xa bờ. Chị Gương chia sẻ: “Muốn thoát cảnh nghèo túng thì phải quyết tâm và chịu khó, nhất là tìm ra cách sử dụng đồng vốn vay dành cho hộ nghèo sao cho hiệu quả, không nên trông chờ hay ỷ lại quá nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Ông Nhan Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi cho biết: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều gia đình bớt đi cảnh thiếu thốn, cải thiện cuộc sống; đồng thời, chung tay góp sức để địa phương về đích trước thời gian Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Bà Lâm Thị Lệ (trái) thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ đầu tư đào ao thả cá.

Không riêng ở xã vùng sâu Long Thạnh, trong mấy năm gần đây ở tất cả 7 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bạc Liêu, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới. Qua kết quả điều tra trong năm 2016 toàn tỉnh có 30.855 hộ nghèo thì đến nay chỉ còn 1.061 hộ, tỷ lệ giảm nghèo bình quân 3,02% năm; có 7 xã đặc biệt khó khăn ở vùng bãi ngang ven biển và 8 xã chương trình 135, chương trình 30a được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Những con số đó thật là ấn tượng, ghi nhận sự đóng góp đáng kể của nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Theo ông Trần Quang Sơn, Giám đốc NHCSXH Bạc Liêu, có được kết quả trên là nhờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tích cực trong suốt quá trình đầu tư vốn đến công đoạn thu hồi nợ.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, cả hệ thống chính trị cùng các ban ngành, đoàn thể ở tỉnh Bạc Liêu đã thật sự quan tâm tạo điều kiện cho NHCSXH huy động được nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Song song đó, UBND tỉnh và các huyện hàng năm đều trích ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Đến nay tổng vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH đạt hơn 110 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 2020 là 21 tỷ đồng, tăng so với trước khi có chỉ thị là 97,2 tỷ đồng. Số vốn ngân sách này đã nâng tổng doanh số cho vay của NHCSXH Bạc Liêu đến 30/9/2021 đạt 476,4 tỷ đồng với 17.483 lượt khách hàng vay vốn, tăng so với đầu năm trên 123 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch năm.

Chú thích ảnh
Chị Lê Hồng Gương (thứ hai bên phải) vay vốn ưu đãi làm nghề biển hiệu quả.

Toàn bộ nguồn vốn chính sách do NHCSXH Bạc Liêu huy động tạo lập được cùng dòng vốn ngân sách của địa phương bổ sung, ủy thác đã được những người làm tín dụng chính sách chuyển tải đến các xóm ấp, phum sóc trong vùng sâu, vùng xa, bất chấp trở ngại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Từ nguồn vốn tăng trưởng, NHCSXH cũng tăng thêm sức mạnh. Các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu địa phương về giảm nghèo ở Bạc Liêu có lực đẩy mới. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và gương sáng tập thể, cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi xuất hiện.

Cùng với sự chuyển động mới về khơi thông dòng vốn ưu đãi, việc củng cố nâng cao chất lượng tín dụng được NHCSXH Bạc Liêu và các cấp chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể chú trọng thực hiện quyết liệt trong những năm gần đây. Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở Bạc Liêu được xây dựng cách đây 9 năm với các chỉ tiêu đề ra đều xuất phát từ thực tế của địa phương cùng các giải pháp khả thi nên vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, được ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, trong đó đích thân Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam, ông Dương Quyết Thắng và Chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng Ban đại diện HĐQT - NHCSXH tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều chỉ đạo sát sao, quyết liệt.

Theo đó, nhiều cán bộ, nhân viên tín dụng chính sách có năng lực tốt, nhiệt huyết cao được tăng cường, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đảm đương nhiệm vụ điều hành, tác nghiệp, nghiệp vụ tại NHCSXH Bạc Liêu. Tham gia dây chuyền quản lý và truyền tải vốn chính sách giờ còn có sự tận lực, tận tâm của chính quyền địa phương, trong đó việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện đã tạo sự chuyển biến mới, đồng đều về nâng cao chất lượng tín dụng. Cùng với đó phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị xã hội cũng được NHCSXH cùng các tổ chức đó ký kết lại hợp đồng nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn trong việc truyền tải vốn ưu đãi đến đúng, đến kịp thời các đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, việc mạnh dạn củng cố, sắp xếp lại toàn bộ mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở Bạc Liêu ngày nay đã theo hướng liền canh, liền cư, nhất thiết phải đảm bảo 3 tiêu chí đủ số thành viên, đủ vốn hoạt động, tổ trưởng có đủ trình độ quản lý kinh tế, quản lý tín dụng. Gần 2.000 Tổ TK&VV và 64 điểm giao dịch xã hoạt động định kỳ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở Bạc Liêu. Những con số tăng trưởng dư nợ, giảm dần nợ quá hạn, lãi tồn đọng còn mang ý nghĩa về sự chuyển biến mới trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp về công tác tín dụng chính sách.

Giám đốc NHCSXH Bạc Liêu Trần Quang Sơn khẳng định: Như cuộc chiến chống đói nghèo, việc nâng cao chất lượng tín dụng tuy đạt được bước chuyển động mới nhưng vẫn còn nỗ lực nhiều để hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ và trước mắt khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc làm ảnh hưởng đến hiệu quả chất lượng tín dụng chính sách như nhận thức của một số chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tín dụng chính sách chưa đầy đủ, sự phối hợp của các tổ chức hội đoàn thể và các Tổ TK&VV chưa chặt chẽ, thiếu sự đồng bộ; tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước trong một bộ phận nhân dân vẫn còn dẫn đến nợ xấu, lãi tồn đọng của NHCSXH Bạc Liêu bình quân ở mức trên 2% trên tổng dư nợ.

Nhận rõ những kết quả và một số vướng mắc, NHCSXH Bạc Liêu tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Cụ thể là làm thật tốt công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền xã, sự tham gia giám sát, hướng dẫn của các tổ chức hội, đoàn thể và tạo ý thức của người vay trong việc sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư áp dụng kiến thức và tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để phát huy hiệu quả hơn nguồn vốn chính sách.

Dư Minh Uyên
Chặng đường 19 năm giúp dân xóa nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Bình
Chặng đường 19 năm giúp dân xóa nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Bình

Trong thành quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020 ở tỉnh Quảng Bình, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) giữ vai trò là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn địa bàn xuống 3,5% (9/2021).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN