Vaccine ngừa COVID-19 vẫn là vũ khí quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch, bảo vệ người dân, làm giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều thông tin sai lệch về vaccine COVID-19 có thể vẫn còn tràn lan trong xã hội, gây ra những lo ngại không đáng có, khiến nhiều người, đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc trẻ trì hoãn tiêm vaccine cho trẻ em. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến tiến độ tiêm chủng cho trẻ tại nhiều địa phương còn chậm, không đạt kế hoạch đề ra.
Để làm rõ hơn về vai trò bảo vệ của vaccine COVID-19 đối với trẻ em, giải đáp một số băn khoăn cho các bậc phụ huynh từ những chia sẻ của chuyên gia, phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài 'Lá chắn' vaccine phòng COVID-19.
Bài 1: Nhiều phụ huynh ngần ngại cho con tiêm vaccine
Tại Việt Nam, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được triển khai từ tháng 4/2022. Tuy nhiên, đến nay, nhiều phụ huynh vẫn còn lo ngại về các phản ứng có thể xảy ra với con em nên băn khoăn hoặc không đồng thuận đưa con đi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Nhiều băn khoăn, lo ngại
Mặc dù liên tục nhận được thông báo từ nhà trường vận động tiêm vaccine phòng COVID-19 từ đầu tháng 8, nhưng đến nay, chị Nguyễn Thị Thu Hà (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn chưa đồng ý cho con đi tiêm. Bởi theo chị, con từng mắc COVID-19 và hơn nữa chị lo ngại phản ứng phụ của vaccine. Chị Hà dự tính sau một, hai năm triển khai tiêm vaccine, nếu không có hiện tượng gì và khi đó con đã lớn hơn sẽ cho con tiêm.
Cùng chung lo ngại, chị Huỳnh Thị Kim Oanh (qPhú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh)chia sẻ, lý do khiến chị vẫn chưa đồng ý cho con tiêm vì vaccine phòng COVID -19 có thời gian nghiên cứu ngắn nên không biết có đủ mạnh để bảo vệ và an toàn cho các bé hay không, có xảy ra những vấn đề sốc phản vệ hay không?...
Lo ngại của chị Thu Hà, Kim Oanh cũng là lo ngại chung của rất nhiều bậc phụ huynh tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em thấp..
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, kếtquar khảo sát 2.800 phụ huynh có con từ 5 đến dưới 18 tuổi ở các quận, huyện, ghi nhận 30% chưa đồng ý tiêm vaccine phòng COVID -19 cho trẻ em.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 5 tỉnh, thành có tỷ lệ trẻ em tiêm vaccine phòng COVID-19 thấp. Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 tại Thành phố chỉ đạt 52% và mũi 2 chỉ đạt 30%. Nguyên nhân chủ yếu do phụ huynh lo ngại tác dụng phụ của vaccine và sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.
Chưa có bằng chứng khẳng định vaccine ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, vaccine phòng COVID-19 nước ta đang sử dụng tiêm cho trẻ hiện nay có bản chất là các ARN thông tin (mRNA). Khi tiêm vào cơ thể, vaccine sẽ vào trong bào tương tế bào miễn dịch, gắn với một thành phần của tế bào là các ribosome để tổng hợp nên các protein có tính kháng nguyên của virus SARS- CoV-2, từ đó kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Sau khi hoàn thành chức năng tổng hợp các protein để tạo nên tính kháng nguyên, vaccine này được các enzyme của tế bào tiêu hủy đi, không có chức năng xâm nhập vào trong nhân của tế bào hay làm biến đổi các vật liệu di truyền. Cho nên, các bậc phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm là vaccine phòng COVID-19 đang sử dụng tiêm cho trẻ hiện nay không có ảnh hưởng đến các cấu trúc, vật liệu di truyền của tế bào con người.
Bên cạnh đó, các vaccine này đều được trải qua một quá trình thẩm định, thử nghiệm, sản xuất, phổ biến trong cộng đồng. Với những bằng cớ có tính khoa học và thực tế trong thời gian dài triển khai tiêm vừa qua, các mặt tính năng, tác dụng, cũng như mặt an toàn của các vaccine này đã được kiểm chứng. Cho đến nay, chưa có một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ trẻ em. Do đó, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm trong việc tuân thủ tiêm chủng “đúng lịch, đủ liều” hiện nay của Nhà nước- Tiến sỹ, bác sỹ Lê Kiến Ngãi nhấn mạnh.
Cũng theo bác sỹ Lê Kiến Ngãi, trẻ em đã mắc COVID-19 rồi hoàn toàn có thể mắc lại bởi những biến chủng, đặc biệt là những biến chủng mới vẫn đang hiện diện, tồn tại. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu những sự thay đổi của loại virus này trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, khả năng miễn dịch của người tiêm vaccine hay sau khi mắc bệnh sẽ giảm dần theo thời gian, từ 3 đến 6 tháng, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người có bệnh nền và người lớn tuổi. Chính vì vậy, trẻ em cần được tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế để duy trì được hệ miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ trước các biến thể mới xâm nhập.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, tại nhiều địa phương, dịch chồng dịch vẫn là nguy cơ đe doạ gây quá tải hệ thống y tế. Bởi số ca mắc sốt xuất huyết vẫn còn đang ở mức cao, số ca mắc cúm cũng ngày càng tăng, trong khi số ca mắc COVID-19 nhập viện do đa số chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ mũi bổ sung. Vì vậy, người dân nói chung và trẻ em nói riêng cần tiêm vaccine để đảm bảo sức khỏe và kiểm soát dịch COVID -19 bền vững.
Bài 2: Đẩy nhanh tốc độ tiêm cho trẻ