Đây là mô hình mới vừa được Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng để tầm soát, khám sàng lọc cho người có yếu tố dịch tễ nghi ngờ với SARS-CoV-2, góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho nhân viên y tế trong môi trường bệnh viện.
Nhân viên làm việc tại bốn phòng khám dã chiến này đều được trang bị bảo hộ như áo choàng sử dụng một lần, găng tay, khẩu trang, mắt kính và mũ. Bên trong phòng khám dã chiến còn có hệ thống hội chẩn trực tuyến với tất cả các bác sĩ của các chuyên khoa trong bệnh viện. Phòng khám dã chiến được vệ sinh, khử khuẩn ngày 3 lần.
Bác sĩ Âu Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết, các phòng khám này đảm bảo đủ tiêu chuẩn của một phòng khám có hệ thống áp lực âm. Hệ thống áp lực âm từ phòng khám này ra bên ngoài được xử lý bằng tia cực tím, đảm bảo không làm lây nhiễm bệnh ra môi trường bên ngoài.
Bệnh viện cắt cử một bác sĩ riêng biệt cho mỗi phòng khám. Những bác sĩ của phòng khám dã chiến này sẽ không tiếp xúc với các cán bộ viên chức khác của bệnh viện để phòng ngừa nếu có trường hợp xấu xảy ra.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các văn bản pháp lý của Bộ Y tế về tăng cường triển khai các hoạt động liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây lan mầm bệnh trong môi trường bệnh viện đã có; Sở Y tế cũng có nhiều văn bản nhắc nhở và đã tổ chức nhiều khoá đào tạo cho nhân viên y tế của các bệnh viện về kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây lan dịch bệnh COVID-19 tại các bệnh viện, nhưng nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế xảy ra bất cứ lúc nào nếu các bệnh viện không có giải pháp quyết liệt và còn chủ quan.
Phòng khám dã chiến áp lực âm là giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo với bác sĩ hoặc nhân viên y tế, khi những ngày qua, thông tin về nhân viên y tế bị nhiễm bệnh COVID-19 đã làm cho nhiều bệnh viện lo lắng, bởi hàng trăm nhân viên y tế khác của bệnh viện phải được cách ly theo dõi vì đã tiếp xúc trực tiếp với nhân viên bị nhiễm (F1).