TP Hồ Chí Minh: Số ca mắc sốt xuất huyết liên tục tăng nhanh

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khi số ca mắc liên tục tăng nhanh trong những ngày gần đây, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có những biện pháp mạnh tay hơn nhằm kìm hãm đà tăng của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Chú thích ảnh
 Nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu).

Số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng nhanh

Theo báo cáo nhanh từ 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày qua, các ca bệnh nhập viện điều trị sốt xuất huyết đang gia tăng. Trong đó, có 626 trường hợp  đang nằm điều trị nội trú với 82 trường hợp nặng. Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện có 74 bệnh nhi, trong đó có 8 trường hợp sốt xuất huyết nặng. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có 89 bệnh nhi, 21 trường hợp bệnh nặng, bao gồm 3 ca đang thở máy. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có 90 bệnh nhi, 8 ca nặng, trong đó có 2 ca đang thở máy. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đang điều trị cho 373 trường hợp sốt xuất huyết (trong đó có 264 người lớn và 109 trẻ em), chiếm 56% các trường hợp đang điều trị nội trú của bệnh viện. Đáng chú ý, có 45 trường hợp nặng, trong đó 3 ca thở máy và 1 ca phải lọc máu.

Còn theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), trong tuần vừa qua trên địa bàn ghi nhận 2.181 trường hợp mắc sốt xuất huyết (gồm 1.182 ca nội trú và 999 ca ngoại trú), tăng 38,5% so với trung bình 4 tuần trước (1.575 ca). Trong đó, số ca nội trú tăng 25,9% và ngoại trú tăng 57,1%. Tích lũy từ đầu năm đến nay toàn Thành phố có 16.057 ca mắc sốt xuất, tăng 117,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay trên địa bàn Thành phố cũng đã ghi nhận 9 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 7 ca so với cùng thời điểm của năm trước.

Các bác sĩ cảnh báo, bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể từ nhẹ (chỉ sốt vài ngày rồi hết) đến rất nặng và tử vong. Đa số trường hợp bệnh nhân đều tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn tiến thành thể sốt xuất huyết Dengue nặng có biến chứng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue diễn tiến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt (thường từ ngày 1 đến ngày 4 của bệnh), trong đó sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt trở lại. Ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn. Đa số trường hợp bệnh sẽ tự thuyên giảm sau 5 ngày và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 tuần.

Tuy nhiên, một tỷ lệ bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nguy kịch. Giai đoạn nguy kịch (thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh tính từ khi bắt đầu sốt). Trong giai đoạn này người bệnh hạ sốt đột ngột (đây là dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn là đã hết bệnh), tay chân lạnh, vật vã, li bì, thậm chí rối loạn tri giác, cảm giác đau bụng nhiều, liên tục, nhất là tại vùng dưới sườn bên phải, nôn ói, tiểu ít, xuất hiện các biến chứng chảy máu ở nhiều nơi (xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, ói ra máu, đi tiêu ra máu, phụ nữ có thể bị rong kinh rong huyết). Một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện viêm cơ tim, tổn thương gan nặng, biến chứng tổn thương đa phủ tạng và có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong. Giai đoạn này người bệnh cần được nhập viện theo dõi điều trị tích cực. Nếu được điều trị kịp thời, tích cực và đúng phương pháp thì bệnh nhân sẽ chuyển qua giai đoạn hồi phục. Giai đoạn hồi phục hồi, thường sau ngày 7 của bệnh.

Như vậy, phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết có thể được điều trị ngoại trú và tái khám theo dõi hàng ngày tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời. Các bệnh nhân giai đoạn sốt cấp tính cũng cần được xem xét nhập viện nếu thuộc một trong các tình huống như sống một mình, nhà xa cơ sở y tế, gia đình không có khả năng theo dõi sát, trẻ nhũ nhi, người thừa cân, phụ nữ có thai, người lớn tuổi, người có các bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, đái tháo đường...).

Trong quá trình điều trị ngoại trú, bệnh nhân cần tái khám và làm xét nghiệm máu hàng ngày. Đặc biệt cần theo dõi nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng thì phải nhập viện điều trị nội trú. Bản thân người bệnh cũng cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu chuyển nặng.

Hiện nay, sốt xuất huyết đang dần vào cao điểm mùa dịch, số mắc liên tục tăng cao, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn các trường hợp mắc sốt xuất huyết. 

Mở chiến dịch tổng vệ sinh tiêu diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh có thể phòng ngừa với cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng, chống muỗi đốt. Do đó, ngày 24/6/2022, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (muỗi vằn) trên địa bàn Thành phố năm 2022 nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Từ đầu tháng 7/2022 và đến hết tháng 9/2022, UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát động chiến dịch tổng vệ sinh tiêu diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu tất cả các hộ gia đình, trụ sở cơ quan, đơn vị, nơi sản xuất, trường học, bệnh viện, nơi công cộng,… thực hiện các biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Tại hộ gia đình (nhà dân, nhà trọ, nơi kinh doanh, sản xuất, chăn nuôi...) phải tự thực hiện tổng vệ sinh ít nhất 1 lần/tuần, dưới sự kiểm tra của UBND phường, xã, thị trấn. Nếu UBND phường, xã, thị trấn phát hiện lăng quăng trong phạm vi hộ gia đình thì hướng dẫn người dân biện pháp xử lý và yêu cầu ký cam kết loại trừ lăng quăng. Nếu sau 2 lần vi phạm sẽ thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Tại các địa điểm có người quản lý trực tiếp (cơ quan, xí nghiệp, trường học, cơ sở tôn giáo, bệnh viện, bến xe, nghĩa trang, nhà hàng, khách sạn, công trình xây dựng…) phải thực hiện tổng vệ sinh ít nhất 1 lần/tuần. Giao UBND phường, xã, thị trấn truyền thông, vận động người dân xung quanh không bỏ rác bừa bãi, tích cực bảo vệ thành quả tổng vệ sinh tại nơi công cộng. Đối với những cá nhân, tổ chức không làm theo những biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, sẽ bị xử phạt theo quy định.

Tại các khu vực công cộng không có người quản lý trực tiếp (khu vực tập trung rác thải tự phát, khu quy hoạch treo, bãi đất trống vắng chủ…) UBND phường, xã, thị trấn phải huy động đoàn thanh niên, các tình nguyện viên và người dân sống xung quanh tham gia tổng vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải, vật chứa nước ở những địa điểm này tối thiểu 1 lần/tuần; truyền thông, vận động người dân xung quanh không bỏ rác bừa bãi, tích cực bảo vệ thành quả tổng vệ sinh tại nơi công cộng.

Bài và ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Đồng Tháp tiếp tục tăng cao
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Đồng Tháp tiếp tục tăng cao

Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao, ngày 24/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Y tế, các cơ quan truyền thông và lãnh đạo các huyện, thành phố về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN