Hà Nam: Giám sát, điều tra các ca bệnh nghi mắc sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, trên địa bàn đã xuất hiện ổ bệnh sốt xuất huyết tại phường Lương Khánh Thiện và phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý với 14 ca mắc. Đáng lưu ý, ổ bệnh này tại khu vực đông dân cư gần chợ Bầu nếu không kiểm soát tốt sẽ rất khó khống chế. Ngành y tế Hà Nam đang khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan.

Chú thích ảnh
Xe tuyên truyền lưu động về các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. 

Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trạm y tế các phường giám sát, điều tra các ca bệnh nghi ngờ, nắm bắt tình hình dịch, giám sát véc tơ sốt xuất huyết; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi các khu vực có người mắc sốt xuất huyết. Các phường ra quân tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, lật úp các vật dụng chứa nước chưa dùng đến để triệt tiêu môi trường sinh sản của muỗi.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân trên hệ thống loa truyền thanh về các biện pháp phòng bệnh như: ngủ phải mắc màn, vệ sinh nhà cửa, sân, vườn, diệt lăng quăng (bọ gậy), không để các vật dụng chứa nước thiếu nắp đậy; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết (sốt cao đột ngột, đau sau hốc mắt, đau cơ, buồn nôn, nôn…) thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Theo ông Trương Mạnh Sức - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, hiện đang là cao điểm sốt xuất huyết. Số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại Hà Nam dự báo thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu do bệnh có tính chu kỳ, đặc biệt vào thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng phát triển cùng với sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao, ý thức vệ sinh phòng bệnh chưa tốt, còn chủ quan lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng muỗi đốt.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam khuyến cáo, người dân thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; loại bỏ các vật liệu phế thải, lập úp vật dụng có thể chứa nước không sử dụng không cho muỗi đẻ trứng; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Tin, ảnh: Nguyễn Chinh (TTXVN)
Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Tây
Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Tây

Mặc dù mới đầu mùa mưa ở miền Tây Nam Bộ, nhưng số ca mắc sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng mạnh và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh trong vùng. Số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết liên tục tăng, gấp hai lần năm trước, trong đó số ca nặng tăng gấp ba, nguy cơ tử vong cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN