TP Hồ Chí Minh cần chủ động tầm soát lây nhiễm cộng đồng trong giai đoạn bình thường mới

TP Hồ Chí Minh cần chủ động tầm soát lây nhiễm trong cộng đồng trong giai đoạn bình thường mới như: khuyến khích người dân tự làm xét nghiệm test nhanh kháng nguyên thường xuyên, những trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp, tầm soát tại các địa điểm thường xuyên có tụ tập đông người.

Chú thích ảnh
Sinh viên y khoa lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại một điểm lấy mẫu trên địa bàn phường 3, Quận 4. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Trên đây là khuyến cáo được Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh đưa ra ngày 18/9.

Theo phân tích của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh, từ 19/7 đến nay, Thành phố thực hiện 3 giai đoạn xét nghiệm với các chiến lược khác nhau. Ở giai đoạn 1 (trước ngày 26/7), Thành phố triển khai xét nghiệm diện rộng, tập trung bóc tách người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các vùng nguy cơ cao bằng phương pháp test nhanh mẫu gộp trong hộ gia đình/cộng đồng (gộp 3-5 mẫu/test), giải gộp bằng test nhanh và khẳng định bằng realtime RT-PCR.

Giai đoạn 2 (từ 27/7 đến 22/8), Thành phố chỉ xét nghiệm tự nguyện/bắt buộc khi có triệu chứng và một số đối tượng có bệnh nền tại các cơ sở xét nghiệm, bệnh viện, điểm tiêm chủng...

Giai đoạn 3 (từ 23/8 đến nay), Thành phố xét nghiệm diện rộng với các phương cách khác nhau: vùng nguy cơ cao, rất cao xét nghiệm test nhanh mẫu đơn, lặp lại sau 48 giờ; vùng nguy cơ vừa và ít nguy cơ test nhanh mẫu gộp hoặc realtime RT-PCR mẫu gộp, giải gộp bằng test nhanh.

Kết quả, giai đoạn 1, trung bình mỗi ngày Thành phố xét nghiệm 155.000 người/ngày và phát hiện 4.600 người dương tính với SARS-CoV-2, tỷ lệ dương tính trên mẫu xét nghiệm là 2,9%. Ở giai đoạn 2, việc lấy mẫu xét nghiệm giảm xuống còn 45.000 người/ngày và phát hiện 4.058 người dương tính/ngày, tỷ lệ dương tính là 8,8%. Sang đến giai đoạn 3, mỗi ngày lấy mẫu xét nghiệm khoảng 460.000 người, phát hiện 5.720 trường hợp dương tính, tỷ lệ 1,2%.

Như vậy, trong giai đoạn 2, Thành phố có tỷ lệ lây nhiễm rất cao nhưng do không xét nghiệm diện rộng nên không phản ánh đúng thực tế khi số mắc COVID-19 vẫn còn ẩn trong cộng đồng. Từ 23/8 đến nay, Thành phố bắt đầu xét nghiệm lại với số lượng mẫu lớn, tần suất lặp lại nhiều lần tại các vùng nguy cơ cao hoặc rất cao nhưng tỷ lệ nhiễm đã giảm xuống còn 1,2%. Tỷ lệ mắc giảm dần đã mô tả đúng thực trạng mắc COVID-19 trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh.

Từ những phân tích này, theo Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn bình thường mới, Thành phố cần chủ động tầm soát lây nhiễm trong cộng đồng bằng cách khuyến khích người dân tự làm xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho bản thân và cho gia đình thường xuyên (tần suất khoảng 3 ngày/lần); đặc biệt đối với những người thường xuyên tiếp xúc với người ngoài.

Bên cạnh đó, Thành phố cần tầm soát ngay những trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp bằng cách thực hiện test nhanh kháng nguyên mẫu đơn và tầm soát tại các địa điểm thường xuyên có tụ tập đông người như: chợ đầu mối, chợ dân sinh, trường học, bệnh viện, bến xe, các điểm kiểm soát ra vào giữa các địa phương...

Đinh Hằng (TTXVN)
Vaccine là 'chìa khóa' để Bình Dương về trạng thái 'bình thường mới'
Vaccine là 'chìa khóa' để Bình Dương về trạng thái 'bình thường mới'

Tỉnh Bình Dương đang trong lộ trình về trạng thái “bình thường mới”, mở cửa từng phần phục hồi kinh tế - xã hội; trong đó tiêm đầy đủ vaccine sẽ giúp người dân an toàn hơn để sống chung với COVID-19. Đây cũng là “chìa khóa” để Bình Dương trở lại “bình thường mới” vững chắc hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN