Tính đến ngày 15/9, Hà Nội chỉ còn hơn 60 điểm cách ly y tế, thành phố đang tiến tới trạng thái "bình thường mới". Qua những số liệu trên cho thấy, Hà Nội đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch COVID-19. Sau khi tình hình dịch bớt nóng, thành phố đã có chi đạo các địa phương thuộc “vùng xanh”, xây dựng kế hoạch tránh để đứt gẫy chuỗi sản xuất.
Huyện Gia Lâm là địa phương sớm nhất thành phố thực hiện chia nhỏ “vùng xanh” để cho sản xuất trở lại. Đến này 16/9, toàn huyện Gia Lâm đã có 105 doanh nghiệp xây dựng phương án phòng chống dịch và được UBND huyện phê duyệt cho hoạt động trở lại. Theo đó, đã có 2.553 lao động có việc làm và thu nhập. Tất cả số lao động trên tại các công ty đi làm trở lại đều đã được tiêm 1 mũi vaccine.
Ngoài số doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động trở lại, tại Gia Lâm nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất suốt các tháng qua, ngay cả lúc Hà Nội dịch bùng phát mạnh nhất. Có thể kể đến, Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam đóng trên địa bàn xã Dương Xá, chuyên sản xuất các loại đèn và thiết bị chiếu sáng của ô tô, xe máy, các sản phẩm điện tử, khuôn mẫu cho các hãng xe.
Theo ông Ngô Ngọc Vinh, Giám đốc điều hành bộ phận Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, để duy trì sản xuất, công ty đã yêu cầu công nhân luôn đeo khẩu trang giữ khoảng cách trong quá trình làm viêc. Còn trong khuôn viên nhà xưởng, phun khử khuẩn định kỳ 1 lần/tuần và 7 lần/tuần đối với khối văn phòng và khu vực công cộng. Tại khu nhà ăn, căn tin... công ty bố trí đủ dung dịch rửa tay diệt khuẩn, dụng cụ vệ sinh, thùng đựng khẩu trang thải bỏ có nắp đậy.
Ngoài ra, công ty còn triển khai lắp màng chắn, cố định vị trí ngồi, nghỉ giãn cách tại khu làm việc văn phòng và các khu công cộng. Việc duy trì tốt biện pháp phòng chống dịch giúp đơn vị đáp ứng được các đơn hàng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2.351 người lao động tại địa phương.
Cũng trên tinh thần mở rộng "vùng xanh" tiến nhanh đến bình thường mới, khuyến khích doanh nghiệp mở cửa sản xuất nhưng đảm bảo phòng chống dịch, tại địa bàn huyện Chương Mỹ đã có 97 doanh nghiệp hoạt động trở lại tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa. Còn tại các khu cụm công nghiệp nhỏ lẻ khác có 54 doanh nghiệp bắt đầu sản xuất sau nhiều ngày nghỉ phòng chống dịch. Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ ông Nguyễn Đình Hoa cho biết, không phải đến hôm nay mới có doanh nghiệp hoạt động trở lại mà từ 6/9 đã có lác đác công ty hoạt động.
“Đặc thù của huyện có 94% lao động là người địa phương. Nên khi dịch bùng phát mạnh, huyện yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động phải đảm bảo "3 tại chỗ". Nhưng ngày 6-21/9, UBND huyện thống nhất chỉ đạo các doanh nghiệp lớn, không sản xuất quá 50% công suất và có thể cho công nhân về nhà. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đảm bảo đã tiêm vaccine cho số công nhân đi lại hàng ngày", ông Hoa bày tỏ.
Còn tại quận Long Biên, huyện Đông Anh cũng có nhiều doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất trở lại nhưng thực hiện theo quy định "1 cung đường, 2 điểm đến" và giảm số lượng lao động trong mỗi nhà máy nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.
Không chỉ lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mà huyện ngoại thành Hà Nội đã xây dựng phương án khôi phục lại sản xuất nông nghiệp. Như huyện Gia Lâm ở vụ Đông Xuân này đã xây dựng kế hoạch sản xuất từ tăng 1.200 ha lên 1.271 ha để bù vào quãng thời gian chững lại do dịch bệnh. Hiện nay, nhiều nông dân Gia Lâm đã xuống đồng thu hoạch lúa mùa, xuống giống các loại rau mầu, đậu tương..., cho kịp thời vụ.
Theo ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, việc duy trì và mở rộng "vùng xanh" trong lúc này rất quan trọng, vừa giúp tăng nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho nội đô, còn giải tỏa tâm lý lo lắng về dịch bệnh cho người dân, doanh nghiệp, tác động rất tích cực tới lĩnh vực an sinh xã hội. Ông Nguyễn Đức Hồng phân tích: việc mở rộng "vùng xanh", sẽ tạo ra nhiều việc làm, giúp nhiều gia đình đỡ khó khăn, giảm áp lực an sinh cho xã hội, từ đó kéo giảm các tai tệ nạn trên địa bàn.
Có thể nhận thấy, xuyên suốt từ đầu đợt bùng phát dịch thứ tư đến nay, thành phố Hà Nội tiếp tục nỗ lực gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh; tùy cơ ứng biến để bảo đảm an toàn cho người dân, không để đứt gãy sản xuất, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”. Tuy nhiên, để các quận, huyện không có thỏa mãn trong phòng, chống dịch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý, dù kết quả đã có bước tiến mới nhưng phòng, chống dịch COVID-19 vẫn đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn vì các ca F0 cộng đồng vẫn còn. Trong khi tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp.
"Ngay cả khi thành phố Hà Nội đang chỉ đạo xem xét, đánh giá tổng thể để có thể nới lỏng thêm một số hoạt động dịch vụ. Nhưng tinh thần chỉ đạo chung vẫn là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.