Bệnh nhân nam D.V.N, 44 tuổi, địa chỉ ở Hậu Giang được chẩn đoán ung thư sàng miệng, ung thư khí quản khoảng 3 năm nay. Bệnh nhân mới được phẫu thuật mở khí quản (canyun) cách đây khoảng 20 ngày ở bệnh viện chuyên khoa. Khi tình trạng ổn định, ngày 15/7 bệnh nhân được xuất viện, hướng dẫn về nhà chăm sóc.
Do bệnh nhân thường xuyên bị tăng tiết dịch qua canyun, nên người nhà có thói quen sử dụng khăn giấy vuông se lại thành sợi dài đưa vào canyun khí quản để lấy dịch tiết. Việc này đã được thực hiện nhiều lần, với mục đích nhằm giúp bệnh nhân dễ thở hơn.
Ngày 19/7, bệnh nhân có dấu hiệu tăng tiết đờm (đàm), gia đình vẫn làm với phương pháp tương tự. Tuy nhiên, trong lúc thực hiện, bệnh nhân bị ho nên đoạn khăn giấy bị tụt sâu xuống phế quản không thể lấy ra. Dị vật khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng khó thở. Người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu.
Do bệnh nhân tiến triển suy hô hấp cấp, các bác sĩ đã chỉ định hỗ trợ thở oxy và chuyển khoa Nội Hô hấp điều trị. Bác sĩ khoa Nội Hô hấp đã quyết định nội soi phế quản cấp cứu. Tuy nhiên, do đường kính canyun hiện tại nhỏ, ống nội soi không thể đưa vào phế quản, các bác sĩ khoa Nội Hô hấp hội chẩn khẩn chuyên khoa Tai Mũi Họng và chuyên khoa Gây mê hồi sức, quyết định thay canyun khí quản 2 nòng cải tiến với kích thước lớn hơn.
Sau khi thay canyun thành công, ê kíp tiếp tục thực hiện nội soi phế quản ống mềm có thực hiện tiền mê, ghi nhận lòng phế quản bên phải có dị vật là đoạn giấy dài chèn bít phần lớn lòng phế quản phải. Do dị vật là giấy, sau thời gian thấm dịch ở đường thở, giấy đã mềm, việc lấy ra rất khó khăn, các bác sĩ cẩn thận phối hợp kẹp và dụng cụ hút để lấy dị vật. Sau gần 1 giờ nỗ lực, ê kíp nội soi đã lấy thành công dị vật đoạn khăn giấy (được se lại) kích thước khoảng 0,5 x 15cm.
Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân ổn định, phổi thông khí tốt, không còn triệu chứng kích thích hô hấp. Hiện bệnh nhân đang được chăm sóc và theo dõi tại khoa Nội Hô hấp, dự kiến ra viện ngày 21/7.
Tiến sĩ, bác sĩ Cao Thị Mỹ Thúy - Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Dị vật đường thở ở bệnh nhân có mở khí quản là tình trạng cấp cứu tối khẩn trong chuyên ngành hô hấp. Các bác sĩ phải nhanh chóng tái thông đường thở cho người bệnh càng sớm càng tốt.
Lỗ mở khí quản (canyun) là một đường thông khí đưa không khí đi vào thẳng khí quản mà không qua đường mũi họng, lỗ thở này có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong trường hợp mở khí quản lâu dài, người bệnh hoặc người chăm sóc phải nắm vững các phương pháp chăm sóc, vệ sinh đúng cách để tránh nhiễm trùng cũng như biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, đặc biệt không đưa bất kỳ vật lạ vào lòng khí quản.
Hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc, Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Chánh Thi - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lưu ý: Các trường hợp chăm sóc lỗ mở khí quản cho người bệnh tại nhà, cần vệ sinh chân canyun 1 lần/ngày hoặc khi ướt. Kiểm tra vị trí ống mở khí quản, dây cột mở khí quản, màu sắc, tính chất đờm dãi trong ống mở khí quản… Tái khám ngay nếu ống mở khí quản bị tụt hoặc rơi ra ngoài, đờm nhớt tăng.
Nếu nghi ngờ tắc/nghẹt ống, đối với ống mở khí quản 2 nòng, thì ngay lập tức rút lòng trong ống mở khí quản ra (lòng ngoài giữ nguyên ở khí quản), giúp thông đường thở ngay lập tức; thao tác này không thực hiện được đối với mở khí quản 1 nòng. Luôn chú ý che lỗ mở khí quản bằng một miếng gạc ẩm để tránh bụi hoặc dị vật rơi vào đường thở.
Ngoài ra, bệnh nhân có lỗ mở khí quản nên tái khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng: Khó thở, sốt cao, ho nhiều, đờm dãi tăng nhiều hoặc có lẫn máu, mủ. Vùng da xung quanh lỗ mở khí quản bị sưng, nóng, đỏ, đau, chảy máu, mủ. Khi nghe tiếng thở bệnh nhân khò khè nhiều là một trong những dấu hiệu của nguy cơ tắc canyun, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra hoặc tái khám định kỳ theo lời dặn bác sĩ.