TP Hồ Chí Minh: Nhiều trẻ cấp cứu vì hóc dị vật, đốt pháo nổ

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2022, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trẻ đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong những ngày nghỉ Tết, bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị hóc dị vật.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố xử trí một trường hợp trẻ bị hóc dị vật trong ngày Tết. Ảnh: BVCC

Theo đó, trong ngày giáp Tết, các bác sĩ đã cấp cứu cho một bé bị sặc hạt đậu phộng vào phổi hay ngay trong ngày mùng 1 Tết, các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời cho một bé trai 5 tuổi bị đồng xu chẹn ngay thực quản, gần cổ họng. Đặc biệt, mới đây, trong ngày mùng 4 Tết, các bác sĩ tiếp nhận một bé trai 5 tuổi ngụ ở Cần Thơ chuyển viện đến bị hóc dị vật là cục pin cúc áo có đường kính 2cm. Hơn 5 giờ mắc kẹt, cục pin tiết hoá chất mạnh gây bỏng chít hẹp thực quản độ 2B, xì dò doạ thủng xuất huyết...

Theo các bác sĩ, với các loại pin bị kẹt lại ở thực quản, đó là một cấp cứu khẩn cấp, dị vật cần phải được lấy ra trong vòng 2 giờ sau khi nuốt. Vì nếu để kéo dài, pin bắt đầu ăn mòn và có thể gây thủng mạch chảy máu, gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu trẻ lớn, chỉ nuốt phải một viên pin kích thước dưới 12mm và đã qua dạ dày, thì không cần can thiệp khẩn nếu không có triệu chứng, chỉ chụp lại X-quang sau 4 ngày để xem dị vật đã được tống xuất ra ngoài hay chưa.

Không chỉ tiếp nhận những trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu vì hóc dị vật, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố còn ghi nhận nhiều trường hợp trẻ cấp cứu vì tai nạn giao thông, bị bỏng, điện giật… Chẳng hạn, một bệnh nhi 16 tháng tuổi ngụ ở Tây Ninh trong lúc đang chơi không may bò vào nơi gia đình đang cúng có phần nước nóng, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng phỏng 30% ở nhiều nơi trên cơ thể. Hiện tại vẫn đang được bác sĩ điều trị tích cực.

Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, từ trước Tết Nguyên đán khoảng 3 tuần đến nay, bệnh viện tiếp nhận 5 trường hợp bệnh nhi sử dụng pháo tự chế và nổ ngay trên bàn tay cầm pháo, gây tổn thương nghiêm trọng đến chức năng của bàn tay.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, khoa Bỏng - Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2, khoảng 2 năm trở lại đây, năm nào khoa Bỏng - Chỉnh hình cũng tiếp nhận những bệnh nhi nhập viện vì đốt pháo tự chế. Đặc biệt, năm nay số lượng bệnh nhân tăng nhiều, hầu hết rơi vào những bệnh nhi từ 10 tuổi trở lên.

Đan Phương/Báo Tin tức
Gia tăng tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol
Gia tăng tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol có chiều hướng gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN