Các nhà nghiên cứu đã tập trung vào tỷ lệ mắc bệnh và tử vong vì 3 căn bệnh có liên quan mật thiết đến tiêu thụ thịt đỏ và thịt đã qua chế biến là ung thư ruột kết, tiểu đường type-2 và bệnh mạch vành. Dựa trên các số liệu xuất nhập khẩu thịt của Tổ chức Lương - Nông Liên hợp quốc (FAO), các nhà nghiên cứu xác định những nơi trên thế giới có nguồn cung thịt đỏ và thịt đã qua chế biến nhiều nhất. Sau đó, họ đối chiếu các kết quả này với các dữ liệu về y tế từ dự án Global Burden of Disease (Gánh nặng bệnh lý toàn cầu).
Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa của Anh British Medical Journal nêu rõ: "Việc tiêu thụ nhiều sản phẩm từ thịt đỏ và thịt đã qua chế biến dẫn tới sự gia tăng đột biến các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn". Theo nghiên cứu, số người tử vong liên quan đến chế độ ăn này trên toàn thế giới đã tăng gần 75% từ năm 1993-2018, có sự khác biệt theo khu vực địa lý. Các nước phát triển ghi nhận mức tăng 55%, trong khi các nước đang phát triển ghi nhận mức tăng 157%.
Nghiên cứu khẳng định: "Các nước đang phát triển phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu thịt đỏ và thịt đã qua chế biến để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước khi thu nhập tăng và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng". Trong thời gian tiến hành nghiên cứu, các nước đang phát triển đã tăng nhập khẩu trong khi các nước giàu tăng xuất khẩu các loại thịt này.
Các tác dụng phụ của chế độ ăn có nhiều thịt đỏ và thịt đã qua chế biến không phải là phát hiện mới, song việc buôn bán các sản phẩm này cũng tác động đến khí hậu, thông qua khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sự mất đa dạng sinh thái... Các nhà nghiên cứu cho biết: "Có rất ít sáng kiến quốc tế và hướng dẫn cấp quốc gia về các chế độ ăn bền vững, trong đó nhấn vào các tác động của việc buôn bán thịt giữa các quốc gia".
Nghiên cứu trên chỉ mang tính quan sát số liệu, không xác nhận quan hệ nhân-quả giữa việc buôn bán thịt với các căn bệnh liên quan đến chế độ ăn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đề xuất để có các chế độ ăn lành mạnh hơn và bền vững hơn, cần có các cuộc đối thoại quốc tế với sự tham gia của các cơ quan y tế và thương mại như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nghiên cứu cho thấy các thỏa thuận thương mại khu vực của WTO đang thúc đẩy hoạt động buôn bán thịt đỏ và thịt đã qua chế biến giữa các quốc gia, và WTO cần phối hợp với các cơ quan y tế và lương thực của Liên hợp quốc để cải thiện chính sách thương mại trong tương lai.