Bệnh tim mạch được ví như “kẻ giết người số 1 thế giới” vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại. Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200 ngàn người tử vong vì bệnh tim mạch. Còn tại Thanh Hóa, bệnh tim mạch cũng ngày càng phổ biến, số người mắc gia tăng. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khám, chữa bệnh ngoại trú cho 200-250 người có các bệnh lý về tim mạch, trong đó, Khoa Tim mạch đang điều trị nội trú cho 130-150 bệnh nhân và can thiệp từ 8-10 ca bệnh mỗi ngày.
Đang điều trị tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân Trần Đức Bồng (xã Nga Liên, huyện Nga Sơn) cho biết ông không hề biết mình mắc bệnh tim mạch. Cách đây 1 tuần, ông lên cơn đau ngực nên được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nga Sơn và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Tại đây ông Bồng được chẩn đoán nhồi máu cơ tim phải can thiệp đặt stent.
“Vào đây tôi được ekip của Khoa Tim mạch và trực tiếp là bác sỹ Lê Thế Anh phẫu thuật, đặt Stent động mạch vành. Điều trị ở đây, được các y bác sỹ chăm sóc tận tình, hướng dẫn chu đáo, ngoài việc tuân thủ uống thuốc, chế độ ăn, luyện tập hợp lý, còn phải định kỳ đi kiểm tra tầm soát tim và các bệnh mãn tính. Hiện sức khỏe của tôi đã cơ bản ổn định…” - bệnh nhân Trần Đức Bồng chia sẻ.
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2004, bác sỹ trẻ Lê Thế Anh (sinh năm 1981) về công tác tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa) và làm việc trực tiếp tại đơn vị can thiệp tim mạch của bệnh viện. Để nâng cao trình độ chuyên môn, năm 2009, anh theo học lớp thạc sỹ chuyên ngành tim mạch tại Đại học Y Hà Nội, đồng thời, liên tục tham gia các lớp đào tạo chuyên ngành tim mạch trong và ngoài nước để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng chuyên môn nhằm mang lại những phác đồ điều trị tiên tiến nhất cho người bệnh. Trong các năm từ 2010 đến 2022, bác sỹ Lê Thế Anh đã tham gia nhiều khóa đào tạo chuyên sâu về can thiệp tim mạch tại các bệnh viện, trung tâm tim mạch trong và ngoài nước, trong đó có hàng chục chương trình nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế tại Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Mỹ, Đức… về bệnh lý tim mạch, can thiệp tim mạch.
Từ đó đến nay, bác sỹ Lê Thế Anh đã trực tiếp triển khai nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch phức tạp mà trước kia chỉ áp dụng ở các tuyến trung ương như: Đặt Stent Graft điều trị các bệnh lý động mạch chủ; Siêu âm trong lòng động mạch vành (IVUS); Khoan cắt mảng xơ vữa điều trị các tổn thương động mạch vành vôi hoá phức tạp (Rotablator); Điều trị suy tĩnh mạch ngoại biên bằng Laser nội mạch; Kỹ thuật lập bản đồ giải phẫu điện học 3D hỗ trợ điều trị triệt đốt các rối loạn nhịp tim phức tạp… tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa. Mỗi năm có hơn 1.000 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa và hàng trăm trường hợp can thiệp tim mạch khác như: bệnh tim bẩm sinh người lớn, cấy máy tạo nhịp tim, can thiệp các bệnh lý động mạch ngoại biên (động mạch chi dưới, động mạch chi trên, động mạch thận, động mạch cảnh…), điều trị suy giãn tĩnh mạch ngoại biên bằng Laser nội mạch, điều trị các bệnh lý rối loạn nhịp tim sử dụng năng lượng có tần số Radio…
Bác sỹ Lê Thế Anh cho biết Khoa Tim mạch là khoa lâm sàng chuyên sâu, tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nặng, trong đó có những bệnh nhân nhồi máu cơ tim tử vong hoặc để lại nhiều biến chứng nặng nề do không được tiếp cận những phương pháp điều trị hiện đại như can thiệp động mạch vành qua da hoặc phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành. “Rất may là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa hiện có đầy đủ các trang thiết bị can thiệp và đội ngũ các bác sĩ có trình độ chuyên môn vững, phản ứng nhanh, chẩn đoán chính xác cũng như phối hợp cấp cứu khẩn cấp giữa các chuyên khoa Nội tim mạch, can thiệp tim mạch và hồi sức tích cực một cách nhịp nhàng nên đã kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân. Với tôi, mỗi ca can thiệp bệnh lý về tim vẫn luôn mang đến cho tôi những điều mới mẻ cần học hỏi và vượt qua” – bác sỹ Lê Thế Anh chia sẻ.
Hàng năm, bác sỹ Lê Thế Anh còn phối hợp hội chẩn và hỗ trợ chuyên môn cho các khoa phòng trong bệnh viện và các bệnh viện trong tỉnh; giảng dạy cho sinh viên Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, Cao đẳng Y tế Thanh Hoá và hỗ trợ chuyên môn về lâm sàng tim mạch, điện tim và can thiệp tim mạch cho các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc, Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thuỷ, Bệnh viện Phụ Sản Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực…
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cường khẳng định: “Bác sỹ Lê Thế Anh là một trong những bác sỹ được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn về điều trị tim mạch tốt. Những ca bệnh nặng đến điều trị tại Bệnh viện thường có sự tham gia điều trị tích cực của bác sỹ Lê Thế Anh. Với vai trò là Trưởng khoa Tim mạch, bác sỹ Lê Thế Anh đã đưa Khoa tim mạch đi vào hoạt động ổn định, ngày càng tiến bộ, triển khai được nhiều dịch vụ kĩ thuật mới góp phần nâng cao vị thế, uy tín và thực sự là địa chỉ tin cậy của người bệnh, góp phần vào mục tiêu chung sớm đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm y tế của khu vực Bắc Trung bộ.”
Có thể khẳng định, sau gần 20 năm gắn bó với chuyên ngành tim mạch, bác sỹ Lê Thế Anh đã và đang chữa lành và hồi sinh những nhịp đập yêu thương cho rất nhiều ca bệnh về tim mạch, trong đó có những ca bệnh ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh.
Được biết hiện, đơn vị can thiệp Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa là một trong những đơn vị can thiệp các bệnh lý tim mạch được đánh giá cao trong và ngoài nước với nhiều trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn với những bệnh viện tuyến trên. Tiếp nối những thành công trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai thực hiện những dịch vụ kỹ thuật ở mức độ khó hơn, chuyên sâu hơn như: phương pháp lập bản đồ giải phẫu điện học 3D điều trị rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim phức tạp, thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI), cấy máy tái đồng bộ cơ tim (CRT), phẫu thuật thay van tim nội soi, thay đoạn động mạch, phẫu thuật các khối u trong tim, trung thất… hướng tới mục tiêu chữa lành nhiều hơn nữa những trái tim đang "lỡ nhịp" yêu thương.