Khó bóc tách hết F0 khỏi cộng đồng
Theo Sở Y tế Hà Nội, sáng 4/9, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 6 ca dương tính với SARS-CoV-2, đều đã được cách ly.
Từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 3430 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1559 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 1.871 ca.
Hiện có một số ổ dịch vẫn ghi nhận ca bệnh những ngày gần đây như: Ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân; ổ dịch ở phường Văn Miếu, Đống Đa; ổ dịch ở quận Hoàng Mai; ổ dịch ở huyện Thanh Trì...
Nhận định về tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Tại Hà Nội, dịch COVID-19 giống như hiện tượng "xôi đỗ", nghĩa là dịch đã lan ra, tản ra nhiều nơi từ lâu. Hà Nội rất khó để có thể bóc được hết F0 trong cộng đồng, thậm chí dịch có thể vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng”.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, việc dịch lan rộng tại Hà Nội như vừa qua chứng tỏ người dân đã không thực hiện triệt để quy tắc 5K; thậm chí ở những nơi giãn cách rồi nhưng trong khu giãn cách cũng không thực hiện nghiêm túc thì khó có thể hạn chế lây lan dịch. Điều này dẫn tới đã giãn cách hơn 1 tháng nhưng số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn phát sinh. Đặc biệt là các khu đông dân cư, chật chội, những khu trình độ nhận thức của người dân càng kém thì dịch càng lây lan mạnh.
“Thực tế cho thấy, nơi nào thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, 5K thì khó có thể lây nhiễm rộng”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.
Về các ổ dịch hiện nay của Hà Nội, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, vừa qua, Hà Nội đã thực hiện xét nghiệm, đến nay đã phát hiện hơn 400 ca nhiễm ở ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Điều này chứng tỏ tại đây đã trải qua vài chu kỳ lây nhiễm với tốc độ lan tỏa rất rộng và sâu, toàn bộ khu vực này đang có nguy cơ rất lớn.
Trước tình hình vẫn ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng như hiện nay, theo các chuyên gia, Hà Nội một mặt phải nỗ lực kiểm soát, siết chặt hơn việc thực hiện phòng chống dịch; đồng thời phải chuẩn bị cho tình huống dịch lan rộng, khi các ca tăng mạnh.
Cùng với các hoạt động, Hà Nội cần đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19. Đặc biệt là tiêm nhanh cho các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền; tăng cường năng lực của các trạm y tế xa, phường, bệnh viện, phòng khám tư nhân đều tham gia vào nếu dịch lây lan rộng.
Cần quy trách nhiệm cho cả người dân, thí điểm cách ly F0 tại nhà
PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là người dân phải thực hiện tốt 5K. Nếu thực hiện tốt 5K, dịch sẽ khó lây lan rộng. Quan trọng nhất lúc này là mỗi người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, trong khu vực giãn cách người dân phải đảm bảo khoảng cách. Các cán bộ phường, xã, thôn, tổ, đội phải giám sát chặt và truyền thông mạnh để người dân thực hiện nghiêm túc quy định phòng dịch.
“Đặc biệt, ngoài việc phải siết chặt, làm mạnh tay, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thì cũng phải quy cả trách nhiệm cho người dân, cho cộng đồng. Nhà nước có nhiệm vụ chính là lo thu dung bệnh nhân, xây bệnh viện, tổ chức điều trị… Còn với người dân, cũng phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Bởi có người xét nghiệm hôm nay âm tính nhưng ngày hôm sau có thể dương tính hoặc có thể nhiễm virus bất cứ lúc nào mà chủ quan đi lại, tiếp xúc, sẽ rất nguy hiểm. Trong khi đó, chúng ta không thể đủ năng lực để có thể xét nghiệm liên tục hàng ngày cho người dân; vì vậy luôn luôn phải tuân thủ 5K”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cảnh báo.
Theo đó, mỗi người dân cũng phải ý thức được việc phòng tránh, nhất là những người có triệu chứng mệt mỏi, ho, sốt như cúm… cần phải báo với các cơ sở y tế và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng cho rằng, việc phát hiện được các trường hợp F0 và F1 cần được cách ly ngay, "bóc tách" F0 ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên cần phải hiểu “bóc tách” ra khỏi cộng đồng không có nghĩa là cứ đưa đi cách ly tập trung mà còn có thể để người dân tự cách ly trong cộng đồng, ngay tại nhà nếu đủ điều kiện. Hà Nội nên thí điểm mô hình tự cách ly tại nhà để chủ động giảm tải áp lực hệ thống y tế.
“Ngoài điều kiện tuân thủ các quy định về cách ly với người là F1, F0 với điều kiện phòng riêng khép kín riêng biệt, có người trợ giúp chăm sóc trong gia đình; thì vấn đề giám sát của y tế địa phương hoặc tổ COVID cộng đồng vừa giám sát chất lượng cách ly vừa tư vấn theo dõi sức khỏe và kết nối y tế khi người bệnh chuyển nặng sẽ rất hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung đề xuất.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần nghiên cứu việc để người dân có thể tự test kháng nguyên nhanh như một số tỉnh phía Nam. Việc tự lấy mẫu và tự xét nghiệm hoàn toàn khả thi vì thực hiện không khó, có thể làm theo video hướng dẫn của Bộ Y tế. Phương pháp này có nhiều lợi ích, giúp người dân chủ động trong việc phát hiện khi cảm thấy có nguy cơ, tăng tính tự giác và cảnh giác với dịch; giảm được việc tập trung đi xét nghiệm tăng nguy cơ lây nhiễm nếu quá tải. Tuy nhiên, cũng phải cảnh báo người dân không được chủ quan khi có kết quả âm tính, mà nếu có nguy cơ vẫn phải tự cách ly theo dõi. Vì kết quả test nhanh âm tính ngay lúc đó những rất có thể ngày hôm sau hoặc những ngày sau lại có thể có kết quả dương tính.