Việt Nam có thêm 14.922 ca F0
Tính từ 17 giờ ngày 2/9 đến 17 giờ ngày 3/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.922 ca nhiễm mới SARS-CoV-2. Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.708 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 2.536 ca, Bình Dương giảm 828 ca, Đồng Nai tăng 183 ca, Long An giảm 19 ca, Tây Ninh tăng 205 ca. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 501.649 ca nhiễm, đứng thứ 53/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.103 ca nhiễm).
Trong ngày 3/9, có số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 11.344 ca. Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 270.668 ca.Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.491 ca. Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên hệ thống ghi nhận 338 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (250 ca), Bình Dương (44 ca), Cà Mau (30 ca), Đồng Tháp (5 ca), Hà Nội (2 ca), Đắk Lắk (2 ca), Tiền Giang (2 ca), Bến Tre (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Khánh Hòa (1 ca).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.476 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%). Tại TP Hồ Chí Minh, đã xây dựng kế hoạch hướng tới việc tuyển dụng và trả lương cho những trường hợp F0 đã khỏi bệnh khi tham gia vào công tác chăm sóc người mắc COVID-19 đang điều trị vì sau khi bị nhiễm COVID-19 và được điều trị ổn định thì những người này sẽ có nồng độ kháng thể trong cơ thể, có thể miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2.
Do đó, lực lượng F0 khỏi bệnh có kháng thể có thể tham gia cùng Thành phố trong công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ điều dưỡng, thực hiện công tác hướng dẫn, vệ sinh khử khuẩn… để nhân viên y tế dành thêm thời gian thực hiện công tác chuyên môn.
Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo ba vùng đỏ - cam - xanh từ ngày 6-21/9
Chiều 3/9, UBND TP Hà Nội chính thức công bố 10 quận nội thành và một phần địa bàn của 5 quận huyện ven đô thuộc "phân vùng 1" - vùng đỏ; 5 quận huyện thuộc "phân vùng 2" - vùng cam; 10 quận huyện thuộc "phân vùng 3"- vùng xanh...
Theo UBND TP Hà Nội, sau 3 đợt giãn cách và qua nhiều đợt xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, có thể thấy dịch bệnh tập trung ở các quận nội thành và có sự lây lan mạnh, trong khi các quận, huyện khác đã giảm nguy cơ. Tuy nhiên, việc nới lỏng giãn cách theo địa giới hành chính trong khu vực mật độ dân cư cao là khó khả thi.
Để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp, TP Hà Nội quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Hà Nội thực hiện phân theo "3 vùng" trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý để tăng cường công tác phòng chống dịch; đảm bảo sản xuất, sinh hoạt; song song với hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; tập trung có trọng tâm xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao.
Thời gian thực hiện từ 6 giờ ngày 6/9/2021 đến 6 giờ ngày 21/9/2021. Cụ thể như sau:
Phân vùng 1 là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện là vùng đỏ, nhiều đối tượng nguy cơ cao, gồm 15 đơn vị hành chính bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai. Một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tin. Về giao thông kết nối vùng 2, vùng 3 có 53 đường qua sông, kênh; trong đó đóng cứng 30 đường kết nối không thuận lợi cho giao thông và lập chốt kiểm soát tại 23 vị trí. Lực lượng liên ngành tham gia chốt do Công an Thành phố chủ trì phối hợp các lực lượng quân đội, thanh tra giao thông, y tế, chính quyền địa phương; thực hiện trực 24/24 giờ.
Cơ chế vận hành, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó” để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để tại khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam."
Phân vùng 2 là phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với vùng 1. Toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Ở phân vùng 2 này sẽ đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn, có thể chia thành phân khu trong phân vùng để tổ chức thực hiện đảm bảo “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” trong vùng 2 cho các Khu công nghiệp lớn vận hành thuận lợi.
Cơ chế vận hành, tại khu vực nguy cơ cao “vùng cam" và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” điều chỉnh theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng cho phù hợp với cơ chế vận hành các khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp theo mô hình mỗi cơ sở sản xuất là một pháo đài chống dịch hỗ trợ khu vực “vùng 1”.
Phân vùng 3 là vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy. Cụ thể gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận, huyện của phân vùng 1 với Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Cơ chế vận hành, theo đặc điểm từng phân khu về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ khu vực “vùng 1” bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.
Về cơ chế vận hành liên phân vùng, UBND TP Hà Nội cho biết, mục tiêu là siết chặt phân vùng 1; kiểm soát luồng ra khỏi phân vùng 1 sang phân vùng 2 và phân vùng 3. Đồng thời, đảm bảo chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng liên phân vùng để không đứt gẫy sản xuất và tiêu thụ thông qua xét nghiệm thường xuyên theo cơ chế kết hợp công - tư.
Đặc biệt, giảm thiểu tối đa người di chuyển liên vùng, kiểm soát chặt chẽ và chia sẻ áp lực chi phí xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên, RT-PCR) khi có nhu cầu di chuyển liên vùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định việc phòng chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh tại phân vùng 2, phân vùng 3.
Chi tiết về 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Công an thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ cấp phát, quản lý, kiểm tra, kiểm soát xử lý về cấp giấy đi đường cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Về việc cấp giấy đi đường, Công an thành phố đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội phê duyệt kế hoạch tổng thể, khi được phê duyệt sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông công khai cụ thể, chi tiết. Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết thêm: Dự kiến sẽ có 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường. Cụ thể:
Nhóm 1 là các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội các cấp; cá nhân thực hiện công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ, trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác được được quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhóm này còn bao gồm cá nhân làm việc tại cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, theo thông lệ quốc tế, thông lệ ngoại giao.
Nhóm 2 là các cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, bao gồm cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu.
Nhóm 3 là các cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; cá nhân khác được huy động tham gia hỗ trợ chống dịch tại các quận, huyện, thị xã.
Nhóm 4 là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; phục vụ đưa tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố; phóng viên, biên tập viên trực tiếp thực hiện tuyên truyền công tác phòng, chống dịch; cán bộ thực hiện trực cơ quan.
Nhóm 5 là các trường hợp: Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như đi cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện. Đối tượng này chỉ cần giấy chứng minh và chứng minh thư/căn cước công dân. Bên cạnh đó là người đi mua lương thực thực phẩm, yêu cầu bắt buộc là phải có thời gian đi mua cụ thể, giấy đi chợ; thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn. Cá nhân đi sân bay có vé, cá nhân đi đến cơ quan ngoại giao có giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, cá nhân đến Tòa án theo giấy triệu tập của Tòa án chỉ cần có chứng minh thư/căn cước công dân và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Nhóm 6 là các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu.
Về quy trình, có 2 loại quy trình gắn với từng nhóm đối tượng. Đối với nhóm 1, 3, 4, 5 sẽ có 4 bước.
Bước 1, tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp công an xã, phường, thị trấn hoặc qua cảnh sát khu vực.
Bước 2, công an xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân hướng dẫn thủ tục hồ sơ, tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường qua địa chỉ được cung cấp.
Bước 3, công an xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ của tổ chức, cá nhân gửi để xét duyệt đồng ý hoặc không đồng ý và gửi mail thông báo cho tổ chức, cá nhân.
Bước 4, Trưởng công an xã, phường, thị trấn duyệt, đóng dấu và trả kết quả thông qua cảnh sát khu vực hoặc công an xã, phường, thị trấn.
Đối với nhóm 2, 6 cũng có 4 bước gồm: Bước 1, các tổ chức, cá nhân liên hệ gửi hồ sơ cấp Giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng...). Bước 2, cơ quan chủ quan căn cứ đối tượng được quy định đồng ý hoặc không đồng ý, gửi email cho tổ chức cá nhân, gửi hồ sơ về Công an thành phố Hà Nội. Bước 3, Công an thành phố Hà Nội chuyển giấy đi đường về cơ quan chủ quản. Bước 4, cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân.
TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiêm vaccine cho đối tượng bảo trợ xã hội, người lang thang
Tiểu ban tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Phước cho biết phát hiện có thêm 36 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tại các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh sau khi thực hiện test nhanh. Trong đó, tại Trung tâm bảo trợ xã hội Tân Hiệp, trên địa bàn huyện Hớn Quản (Bình Phước) phát hiện 15 ca F0; tại Trung tâm bảo trợ xã hội Bình Đức, trên địa bàn huyện Bù Gia Mập phát hiện 21 ca F0.
Để khắc phục tình trạng này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội tăng cường thực hiện giãn cách; phải đảm bảo giãn cách giữa học viên với học viên; giãn cách giữa phòng, khu, khoa, trạm với phòng, khu, khoa, trạm và đơn vị với đơn vị. Ngoài ra, các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội tạm dừng tất cả hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề, lao động trị liệu; các hình thức tư vấn, giáo dục chuyển sang trực tuyến nhằm đảm bảo giãn cách triệt để.
Cùng với các hình thức giãn cách, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 6.400 người già neo đơn, người khuyết tật, người lang thang, mồ côi… tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội do ngành quản lý; đồng thời tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ 14.000 học viên đang được chăm sóc ở 12 cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở.
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, đội hình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng này gồm y bác sỹ của các cơ sở, lực lượng chuyên ngành tăng cường của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với sự hỗ trợ chuyên môn của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả học viên có mặt tại các cơ sở cai nghiện ma túy đều được tiêm chủng, ngoại trừ các trường hợp dưới 18 tuổi, hoặc sức khỏe không đảm bảo.
Riêng toàn bộ gần 1.000 cán bộ, nhân viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy và gần 1.800 nhân viên ở các cơ sở bảo trợ xã hội đến nay cũng đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 ít nhất một mũi. Từ ngày 23/8 đến nay, Thành phố đã tổ chức tiếp nhận 852 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội; tiếp nhận 128 đối tượng cai nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu.
Nghệ An đình chỉ công tác Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Công an xã liên quan đến dịch
Ngày 3/9, sau khi phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An đã họp khẩn tại huyện Diễn Châu. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh.
Tại cuộc họp này, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Diễn Châu tạm đình chỉ công tác Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng trong thời gian 14 ngày để xem xét vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch; đề nghị Công an huyện củng cố hồ sơ, tiến hành điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong thời gian sớm nhất và tạm đình chỉ công tác Trưởng Công an xã Diễn Hồng. Đồng thời, từ 18 giờ ngày 3/9 cách ly y tế đối với xóm Ái Quốc và các tổ dân cư 6, 7 khối Bắc, xã Diễn Hồng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Diễn Châu cho biết, trên địa bàn xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, đã xuất hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đó là các trường hợp: H.T.S, nữ, sinh năm 1959; P.T.T, nữ, sinh năm 1968; N.X.S, nam, sinh năm 1996.
Điều đáng chú ý, cả 3 trường hơp này có yếu tố dịch tễ liên quan đến trường hợp dương tính N.X.T (con trai của trường hợp dương tính H.T.S) là lái xe ô tô đường dài. Ngày 22/8, N.X.T đi xe tải từ tỉnh Đồng Nai về đến xã Diễn Hồng xuống xe, vượt qua chốt, trốn về nhà, không khai báo y tế. Trong quá trình ở nhà, N.X.T thường xuyên mời bạn bè về nhà uống bia rượu trong khi huyện Diễn Châu đang thực hiện cách ly xã hội Chỉ thị 16/CT-TTg. Ngày 30/8, N.X.T tiếp tục đi vào tỉnh Đồng Nai; ngày 2/9 xét nghiệm PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Tối 3/9, tại xã Hưng Thịnh (huyện Hưng Nguyên), Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh cũng có cuộc làm việc khẩn với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Hưng Nguyên và xã Hưng Thịnh khi trên địa bàn xã xuất hiện 2 trường hợp dương tính trong cộng đồng.
Hai trường hợp dương tính này có tính chất phức tạp, theo nhận định của Sở Y tế và UBND huyện Hưng Nguyên, nếu không có giải pháp kịp thời có thể dịch sẽ bùng phát trên địa bàn, khó kiểm soát, đe dọa an toàn các địa phương khác.
Sở Y tế Nghệ An yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên xem xét lại các quy trình trong xử lý các tình huống chống dịch, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan; đình chỉ công tác Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hưng Thịnh 15 ngày để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm; giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An và huyện Thanh Chương hỗ trợ lực lượng giúp huyện Hưng Nguyên phòng, chống dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 3/9 trên địa bàn Nghệ An xuất hiện 24 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 3/9 tại Nghệ An đã phát hiện 1.625 trường hợp dương tính ở 21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Đến tối 3/9 tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện các trường hợp dương tính được phát hiện trong cộng đồng. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và các địa phương trong tỉnh Nghệ An đang nỗ lực cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch,yêu cầu các địa phương và người dân thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế; bổ sung những giải pháp phù hợp, sát đúng với đặc thù từng địa phương, khu vực; gắn phòng, chống dịch với bảo đảm an sinh xã hội, đi lại của người dân…
Cùng với đó, tỉnh Nghệ An cũng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch; khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân, cộng đồng dân cư phát hiện, thông tin cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm.