Bệnh sởi có dấu hiệu tăng đột biến tại Hà Nội

Hà Nội đã ghi nhận hơn 230 ca mắc sởi, tăng cao so với năm 2017, nhóm trẻ em dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất tập trung nhiều ở các quận nội thành.

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh sởi hữu hiệu nhất. Ảnh: TTXVN

Báo động tại các quận nội thành


Sở Y tế Hà Nội vừa cho biết, bệnh sởi đang có diễn biến gia tăng trên địa bàn thành phố. Tính từ đầu năm đến hết ngày 10/7, Hà Nội đã có 233 trường hợp bệnh nhân mắc sởi, chưa có bệnh nhân tử vong, số mắc tăng hơn 3 lần với năm 2017 (cả năm 2017 mới có 60 trường hợp mắc bệnh).


Theo đó, bệnh sởi đã xuất hiện ở 139 xã, phường, thị trấn của 29 quận, huyện. Đặc biệt các quận nội thành có số mắc cao hơn như: Bắc Từ Liêm (22 trường hợp), Nam Từ Liêm (21 trường hợp), Hà Đông (17 trường hợp), Hoàng Mai (17 trường hợp), Đống Đa (14 trường hợp)…


Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: “Hiện đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Hầu hết các trường hợp mắc sởi là do không tiêm, hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi; nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị ốm nên hoãn tiêm và bị tiêm muộn, cha mẹ không đưa trẻ đi tiêm hoặc đi tiêm không đúng lịch nên chưa có đủ miễn dịch”.


Cũng theo ông Cảm, hiện tại mùa hè cũng là mùa thuận lợi cho các loại vi rút sinh sôi, phát triển, trong đó có vi rút gây bệnh sởi; bệnh lại dễ lây lan nên nếu không kiểm soát ngay từ đầu, rất có khả năng bùng phát thành dịch.


Khẩn trương phòng dịch


Trước tình hình bệnh sởi tăng cao, mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn chỉ đạo các bệnh viện trong và ngoài công lập tăng cường công tác khám và điều trị cho các bệnh nhân mắc sởi; rà soát lại các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế để đảm bảo cho công tác điều trị bệnh sởi.


Sở Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện tổ chức tập huấn các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế ban hành cho nhân viên có tham gia chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, đặc biệt là khu vực phòng khám, khu cấp cứu, điều trị bệnh nhân sởi. Để phòng lây nhiễm chéo, các bệnh viện cũng phải có phòng khám phân loại riêng ngay tại khu vực phòng khám và có biển chỉ dẫn ngay tại cổng bệnh viện. Bố trí khu điều trị cách ly theo quy định và tổ chức điều trị tốt cho bệnh nhân cũng như đảm bảo chuyển tuyến an toàn với những bệnh nhân quá khả năng điều trị và tránh lây nhiễm trong quá trình vận chuyển bệnh nhân.


Ông Cảm cũng cho biết, để phòng bệnh tiêm chủng là biên pháp hữu hiệu nhất. Hiện nay, Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng hằng tuần thay vì hằng tháng như trước đây để tạo điều kiện cho nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.Các trung tâm y tế cũng đang rà soát số trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi theo đúng quy định. Người dân cần coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng để ngăn không cho dịch bệnh bùng phát.


“Đặc biệt, trước xu hướng gia tăng số trẻ mắc sởi khi chưa đến tuổi tiêm chủng, phụ nữ trước khi mang thai cần đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella (tối thiểu
3 tháng trước khi mang thai) để phòng bệnh cho cả mẹ và con”, ông Cảm khuyến cáo. 

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Bệnh sởi tăng cao ở một số địa phương, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường tiêm vắc xin
Bệnh sởi tăng cao ở một số địa phương, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường tiêm vắc xin

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát ca bệnh sởi và tiêm vắc xin phòng bệnh tại các tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch cao như: Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hóa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN