Ban do sởi thường nổi dạng sẩn, gồ lên trên mặt da. |
Hiện nay, tại miền Bắc đã xuất hiện các ca mắc bệnh sởi, nhất là tại Hà Nội, số bệnh nhân mắc sởi đang có dấu hiệu tăng trong những tuần gần đây. Khi trẻ sốt cao thường hay kèm theo hiện tượng phát ban nên cần phân biệt với bệnh sởi để nhận biết và điều trị đúng cách, tránh các biến chứng nguy hiểm của sởi.
Dưới đây là cách phân biệt giữa ban sởi và ban thông thường:
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, bệnh sởi và sốt phát ban thông thường giống nhau ở giai đoạn ủ bệnh. Ở giai đoạn này, sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện như: Sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 38- 39 độ, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ, đau đầu, nhức mỏi cơ bắp, biếng ăn… thậm chí có thể bị nôn ói, tiêu chảy. Tuy nhiên nếu trẻ bị nhiễm sởi thường có một trong 3 triệu chứng đặc trưng đi kèm đó là: Chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.
Khi chuyển sang giai đoạn phát ban thì có sự khác nhau giữa ban thông thường và ban sởi như: Nếu là phát ban thông thường thì chỉ là những ban đỏ, mịn, sáng, nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm. Còn nếu là phát ban do sởi thì có những đặc trưng như: Bắt đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, xuống ngực, bụng và lan ra toàn thân. Đặc điểm dễ nhận biết của ban sởi là ban có dạng sẩn, gồ lên mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da.
Việc phân biệt giữa bệnh sởi và sốt phát ban là rất quan trọng. Nếu không biết và điều trị đúng cách bệnh sởi sẽ dễ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não… nhiều khi dẫn đến tử vong. Trong khi đó, sốt phát ban hầu hết đều là bệnh lành tính, thường bệnh sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không gây nên bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho trẻ.