Bây giờ mới cho F1 cách ly tại nhà, Hà Nội đã 'quá thận trọng'

Theo các chuyên gia, Hà Nội đã triển khai cho F1 cách ly tại nhà; mặc dù muộn nhưng cũng rất phù hợp, tạo điều kiện cho người dân khi phải thực hiện phòng dịch.

Chú thích ảnh
Hà Nội xét nghiệm cho người dân trong khu vực bị phong toả. Ảnh: TTXVN

Lo ảnh hưởng tới người chưa tiêm vaccine

Những ngày gần đây, số ca F0 của Hà Nội tăng cao, số mắc mỗi ngày lên tới con số hàng trăm; thậm chí ngày cao điểm là 289 ca (ngày 15/11); số ca ghi nhận trong cộng đồng cũng lớn với nhiều ổ dịch phức tạp, nhiều khu vực đã "đổi màu".

Nhận định về tình hình dịch tại Hà Nội hiện nay, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng: “Sau hơn 1 tháng “mở cửa” vừa qua, con số lây nhiễm của Hà Nội tăng lên hàng trăm ca mắc/ngày. Tuy nhiên con số này chưa phải là lớn khi so với trước đó trong thời gian giãn cách vẫn ghi nhận ổ dịch tới vài trăm ca nhiễm...”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, số ca nhiễm của Hà Nội hiện nay hầu hết là ở những người đã tiêm vaccine, nên biểu hiện tình trạng bệnh có thể nhẹ hơn; mức đo tải lượng virus cũng thấp hơn, số bệnh nhân tử vong không tăng so với trước đây (thậm chí giảm) thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu chủ quan, dịch bùng lên mạnh sẽ ảnh hưởng tới các đối tượng khác nhất là những người không được tiêm vaccine, người già, người cao tuổi, người có bệnh nền nặng… rất nguy hiểm.

Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo, người dân không được chủ quan, không lơ là mất cảnh giác; mà phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch, thực hiện tốt 5K, giãn cách, tránh tụ tập và nhất là luôn tuân thủ khẩu trang. Đây là các biện pháp dễ thực hiện, hiệu quả.

Không chờ quá tải mới cho cách ly tại nhà 

Trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, số lượng F0, F1 lớn, từ ngày 17/11, Hà Nội đã cho triển khai thí điểm các ly các trường hợp F1 tại nhà.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã cho cách ly F1 tại nhà từ lâu, vì thế Hà Nội có thể triển khai ngay mà không cần thí điểm. Hà Nội cũng cần bỏ cách ly tập trung với các trường hợp không cần thiết, bỏ phong toả rộng tại khu phố hay toà chung cư, chỉ phong toả hẹp trong gia đình.

Theo đó, hiện tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gần ngang nhau, vì vậy Hà Nội cũng cần có sự thích ứng linh hoạt.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, việc triển khai cách ly F1 tại nhà phụ thuộc vào từng địa phương, Hà Nội có đặc thù riêng, với lý do là thành phố đông người, trong khi ý thức của nhiều người dân hiện chưa tốt, lo sợ người dân khi cách ly ở nhà không đảm bảo sẽ dẫn đến lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên quan điểm như thế cũng là thận trọng quá mức. Hiện Bộ Y tế đã có những hướng dẫn rất chi tiết, trường hợp nào đủ điều kiện mới được cách ly tại nhà.

Nếu đối chiếu theo quy định của Bộ Y tế thì quy định về cách ly tại nhà đã rất chặt chẽ vì các đối tượng phải đủ điều kiện mới được cách ly tại nhà. Điều đáng lưu ý khi cho các trường hợp cách ly tại nhà là: Điều kiện nơi ở, nhà, phòng cách ly, quy trình cách ly và con người tham gia có đủ ý thức, cam kết để thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã giao trách nhiệm cho các tổ COVID cộng đồng, các chính quyền địa phương, phường xã tham gia kiểm tra, hướng dẫn, giám sát… Nếu thực hiện cách ly tại nhà mà thực hiện tốt các vai trò của người dân và các cấp chính quyền thì vẫn đảm bảo được an toàn phòng dịch. Tức là chúng ta vẫn có thể cách ly tại nhà để đạt được mục đích tách nguy cơ lây nhiễm ra khỏi cộng đồng.

“Việc Hà Nội triển khai cho F1 cách ly tại nhà mặc dù muộn nhưng cũng rất phù hợp trong thời điểm này, tạo điều kiện cho người dân khi phải thực hiện phòng dịch. Đây cũng là mong mỏi của người dân trong thời gian qua”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Về việc tới đây Hà Nội tính tới điều trị F0 tại nhà, theo các chuyên gia, điều này không phụ thuộc vào tình hình dịch. Bởi hiện quy mô dịch ở Hà Nội không phải là lớn, nhưng điều trị F0 tại nhà, đặc biệt với các F0 không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ tại nhà thì sẽ có rất nhiều lợi ích như: Lợi ích với chính bản thân người bệnh; lợi ích cho hệ thống y tế cơ sở, y tế địa phương, hệ thống các bệnh viện. Những trường hợp nhiễm virus mà không phải điều trị, chỉ cần theo dõi thì y tế ở phường xã, tổ COVID cộng đồng có thể cùng với người dân làm được; sẽ đảm bảo giảm tải cho hệ thống y tế, phát huy vai trò của người dân.

“Khi người dân xác định chung sống với COVID-19, nếu chẳng may bị nhiễm thì có thể được cách ly, theo dõi ở nhà nếu bị nhẹ hoặc không triệu chứng. Còn chính quyền nên chuẩn bị sẵn những điều kiện cần thiết để kết nối khi F0 có dấu hiệu chuyển nặng, có thể dễ dàng liên hệ với y tế để chuyển tuyến. Như vậy sẽ thuận lợi và thích ứng phù hợp hơn với tình hình dịch. Chúng ta không chờ đến khi quá tải, không thể đi cách ly tập trung được mới cách ly tại nhà. Như vậy không đúng với tinh thần phải phát huy vai trò của người dân”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Hà Nội: Số ca nhiễm tăng cao, phường Phú Đô lập chốt kiểm soát người ra vào
Hà Nội: Số ca nhiễm tăng cao, phường Phú Đô lập chốt kiểm soát người ra vào

Số ca dương tính với COVID-19 trên địa bàn phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) liên tục tăng cao. Để dịch bệnh COVID-19 không lây lan ra cộng đồng, UBND phường đã thiết lập các chốt kiểm soát người ra vào địa bàn phường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN