Một cửa hàng đồ ăn nhanh ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong năm 2016, có tới 1/5 số các ca tử vong trên thế giới liên quan tới chế độ ăn kiêng nghèo chất dinh dưỡng.
Cũng trong thời gian này, hơn 1,6 triệu người ở các nước nghèo tử vong do bệnh tiêu chảy sau khi sử dụng nguồn nước hoặc thức ăn đã nhiễm khuẩn. Đặc biệt, 2,4 triệu người chết vì nhiễm trùng phổi mà trong đó đa số các trường hợp có thể phòng ngừa và điều trị.
Gần 3/4 số ca tử vong trên thế giới năm 2016 là do các bệnh không truyền nhiễm, trong đó tim mạch là căn bệnh gây tử vong cao nhất với 9,5 triệu ca trong năm 2016, tăng gần 20% trong một thập kỷ qua. Ngoài ra còn có những căn bệnh được gọi là bệnh "lối sống" như tiểu đường, tăng hơn 30% so với năm 2015, lên 1,4 triệu trường hợp.
Theo nghiên cứu trên, trong năm 2016 có 129 triệu trẻ em được ra đời, trong khi khoảng 55 triệu người đã tử vong trong cùng thời gian này, trong số đó 2 triệu ca tử vong ở bà mẹ và trẻ em là do các sự cố không đáng có trong quá trình sinh đẻ.
Bệnh viêm gan đã cướp đi sinh mạng của 1,34 triệu người trong năm 2016, tăng 22% so với năm 2000. Đây là bệnh có thể phòng tránh được, nhưng chỉ có 5% số người mắc bệnh này hiểu rõ về tình trạng bệnh của mình.
Trong khi đó, bệnh ung thư - đặc biệt là ung thư phổi, cũng tăng đáng kể trong thời gian qua, với gần 9 triệu trường hợp tử vong trong năm 2016, tăng 17% so với năm 2006. Thuốc lá được xác định là nguyên nhân gây 7,1 triệu ca ung thư phổi trong số này.
Theo kết quả nghiên cứu trên, tuổi thọ trung bình trên toàn cầu năm 2016 là 75,3 tuổi đối với nữ giới và gần 70 tuổi đối với nam giới. Trong hơn 30 năm nay, Nhật Bản vẫn là nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới (83,9 tuổi), trong khi Cộng hòa Trung Phi luôn là nước có tuổi thọ trung bình thấp nhất thế giới (chỉ khoảng 50 tuổi).