Trong đó, 8 tổ chức là Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Vườn Quốc gia Pù Mát, Viện Nghiên cứu Hải sản, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vườn thú Hà Nội, Tổ chức Động vật châu Á, Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.
13 cá nhân gồm: Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật); Tiến sĩ Phạm Thị Nhị (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật); Tiến sĩ Lữ Thị Ngân (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam); Tiến sĩ Đỗ Văn Trường (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam); Phó Giáo sư. Tiến sĩ Phạm Đình Sắc và Phó Giáo sư. Tiến sĩ Phan Kế Long (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam); ông Nguyễn Thanh Tú (Trưởng nhóm tự nguyên bảo tồn Voọc gáy trắng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình); Tiến sĩ Hà Thăng Long (Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh); nhà báo Võ Mạnh Hùng (Báo điện tử Vietnamplus, Thông tấn xã Việt Nam); kỹ sư Nguyễn Văn Hùng (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vườn thú Hà Nội); cử nhân Phùng Mỹ Trung (Cục Hải quan Đồng Nai); thạc sĩ Phạm Văn Thông (Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam); Tiến sĩ Cao Thị Lý (Trường Đại học Tây Nguyên).
Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước Đa dạng sinh học, Việt Nam hiện có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định gồm 7.500 loài/chủng vi sinh vật, khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.900 loài động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, 11.000 loài sinh vật biển khác. Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế cũng đã xác định Việt Nam có 63 vùng chim quan trọng.
Nhiều loài có giá trị lớn cho việc bảo tồn, đóng góp cho khoa học và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học Việt Nam như sao la, cheo cheo lưng bạc, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn, voi châu Á, bò rừng, bò xám, hổ, báo, hươu sao, các loài linh trưởng, các loài rùa biển và rùa cạn nước ngọt…
So với các nước trong vùng Đông Dương, khu hệ động vật Việt Nam khá giàu về thành phần loài và có mức độ cao về tính đặc hữu. Trong số 21 loài khỉ có trong vùng này, Việt Nam có 15 loài, trong đó có 7 loài và phân loài đặc hữu. Trong số 49 loài chim đặc hữu của vùng, Việt Nam đã có 33 loài, trong đó có 10 loài đặc hữu của riêng Việt Nam.
Từ năm 2014-2018, có 334 loài mới được phát hiện cho khoa học gồm 208 loài động vật, 136 loài thực vật được mô tả và công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và Tạp chí Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Bên cạnh đó, số loài và các cá thể các loài hoang dã của Việt Nam cũng đang trên đà giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao. Như loài rùa Hồ Gươm, hiện chỉ còn 4 cá thể sống được biết đến trên thế giới, trong đó có 1 cá thể ở Trung Quốc và 3 cá thể ở Việt Nam. Các loài thú lớn khác như voi, hổ, gấu, mèo lớn, tê tê cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ kiên quyết và hiệu quả. Sao la - một loài thú đặc hữu của dãy Trường Sơn cũng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Các nỗ lực điều tra, giám sát cho đến nay vẫn chưa phát hiện quần thể nào của loài ngoài tự nhiên.
Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế cập nhật tháng 11/2020 cho thấy, số lượng loài bị đe dọa phân bố ở Việt Nam là 745 loài, bao gồm 64 loài thú, 53 loài chim, 70 loài bò sát, 45 loài lưỡng cư và 96 loài cá. Tổng số loài hoang dã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam là 882 loài, trong đó 464 loài động vật quý, hiếm (tăng 108 loài trong vòng 10 năm). Có 116 loài đang ở mức nguy cấp rất cao và 6 loài chuyển từ mức nguy cấp khác nhau lên mức coi như đã tuyệt chủng gồm tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá sấu hoa cà, hươu sao.