Nâng cao hiệu quả điều trị F0 tại nhà - Bài 1: Giải pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh

Nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Long đang triển khai phương án cách ly và điều trị tại nhà đối với F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 26.000 bệnh nhân điều trị tại nhà, trong đó có hơn 70% trường hợp khỏi bệnh. Việc triển khai mô hình hình điều trị F0 tại nhà giúp giảm tải cho các cơ sở thu dung, điều trị tập trung để dồn lực điều trị hiệu quả các ca mắc COVID-19 nặng, có nguy cơ tử vong; tạo điều kiện cho người bệnh có tâm lý thoải mái, sớm khỏi bệnh.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết phản ánh hiệu quả việc triển khai thực hiện phương án điều trị F0 tại nhà của tỉnh Vĩnh Long; những nỗ lực của địa phương, nhất là y tế cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong và giảm lây lan trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Một trường hợp F0 đang thực hiện điều trị tại nhà ở thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. 

Bài 1: Giải pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh

Vĩnh Long chính thức áp dụng phương án điều trị F0 tại nhà kể từ đầu tháng 12/2021, đây là giai đoạn số ca mắc COVID-19 tại địa phương này liên tục tăng cao với khoảng 500 ca/ngày, gây áp lực cho các cơ sở điều trị tập trung. Việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà cùng với sự theo dõi, hỗ trợ từ ngành Y tế được đánh giá là phù hợp trong trạng thái “bình thường mới”, không chỉ giảm áp lực cho các cơ sở điều trị COVID-19 mà còn tạo thuận lợi và tâm lý thoải mái cho người bệnh. Qua thực hiện, bước đầu đã mang lại hiệu quả với khoảng 70% trường hợp được điều trị tại nhà khỏi bệnh, số ca chuyển nặng được chuyển tuyến kịp thời, hạn chế tỷ lệ tử vong tại nhà.

Nỗ lực điều trị F0 tại nhà

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, qua công tác điều trị cho thấy có khoảng 96% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, 4% là bệnh vừa, nặng và rất nặng. Hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của tỉnh đang đạt ở mức cao, trong đó người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt hơn 99,9%, mũi 2 đạt gần 99,2%; trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm mũi 1 đạt 99,6%, mũi 2 đạt 94,4% và tỉnh đang đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho người dân. Đây là những cơ sở để Vĩnh Long mạnh dạn thực hiện việc quản lý, chăm sóc điều trị F0 tại nhà.

Để đảm bảo chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, tỉnh đã thành lập hơn 100 trạm y tế lưu động, phối hợp cùng 107 trạm y tế địa phương và gần 5.000 Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng thực hiện công tác tiếp nhận, phân loại F0 đủ điều kiện để chăm sóc, điều trị tại nhà. Theo đó, lực lượng y tế thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về xét nghiệm, theo dõi, chăm sóc sức khỏe người bệnh; các lực lượng hỗ trợ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tránh lây nhiễm chéo trong gia đình và lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng.

Trong quá trình thực hiện điều trị F0 tại nhà, ngành Y tế tỉnh đặc biệt chú trọng công tác tiếp nhận và phân loại các trường hợp mắc COVID-19, qua đó đánh giá đúng tình hình bệnh nhân, giảm trường hợp chuyển nặng và tử vong.

Tại huyện Bình Tân, địa phương đã thành lập 10 trạm y tế lưu động phối hợp với các trạm y tế thực hiện tiếp nhận, phân loại các trường hợp mắc COVID-19, tiến hành cách ly và điều trị phù hợp. Xác định thực hiện phương án điều trị F0 tại nhà thì các trạm y tế lưu động chính là cánh tay nối dài của y tế đến với người dân, do đó ngay khi có kết quả test nhanh dương tính, lực lượng y tế sẽ phát danh bạ điện thoại của các trạm y tế cho người dân để kết nối, kịp thời được tư vấn, hỗ trợ. Các nhân viên y tế cung cấp túi thuốc A (vitamin, hạ sốt…) và hướng dẫn để người dân yên tâm, sử dụng khi có triệu chứng ho, sốt. Việc phân tầng và theo dõi kịp thời để chuyển tuyến đã giúp công tác điều trị đạt hiệu quả, giảm số ca chuyển nặng và tỷ lệ tử vong trên địa bàn. Nhờ đó, Bình Tân là địa phương có số ca tử vong do COVID-19 thấp nhất tỉnh.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Tân Nguyễn Hữu Phước cho biết: “Chúng tôi cũng lưu ý các trạm y tế lưu động quan tâm sàng lọc, phân loại bệnh nhân, đảm bảo những trường hợp được điều trị tại nhà phải đáp ứng đủ điều kiện, trong đó quan trọng nhất là về sức khỏe. Những bệnh nhân có bệnh nền hoặc có triệu chứng được đưa về bệnh viện dã chiến để điều trị, trường hợp diễn tiến nặng sẽ được chuyển đến điều trị ở tuyến trên”.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng, đối với các F0 đã tiêm đủ 2 liều vaccine thì khoảng 90% không cần dùng thuốc mà chỉ cần tinh thần thoải mái, bổ sung dinh dưỡng là có thể khỏi bệnh trong thời gian từ 10-15 ngày. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân chuyển nặng, phải có sự can thiệp kịp thời của nhân viên y tế. Do đó, ngành Y tế tỉnh cũng lưu ý các trạm y tế lưu động luôn sẵn sàng các gói thuốc điều trị để cung cấp cho người dân. Các lực lượng y tế cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân nắm rõ, không hoang mang lo sợ mà tự ý ra ngoài mua thuốc về để điều trị. Song song đó, ngành Y tế cũng tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin để người dân tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe khi điều trị tại nhà; phối hợp với lực lượng y tế kịp thời xử lý các trường hợp có triệu chứng, giúp hạn chế chuyển nặng và lây lan cho các thành viên trong gia đình.

Giải pháp hữu hiệu trong tình hình mới

Phát huy phương châm 4 tại chỗ, công tác chăm sóc, điều trị F0 tại nhà hiện nay chủ yếu là do trạm y tế lưu động kết hợp với trạm y tế các xã, phường, thị trấn đảm nhận. Việc theo dõi sức khỏe, hỗ trợ kịp thời của lực lượng y tế cơ sở đã giúp nhiều F0 khỏi bệnh, hạn chế tình trạng bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị. 

Ngay khi được phát hiện mắc COVID-19, chị Nguyễn Thị Yến Thoa (xã Thành Trung, huyện Bình Tân) được đánh giá, phân loại tình trạng sức khỏe và các điều kiện để thực hiện điều trị tại nhà. Sau 14 ngày tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế, chị có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Điều may mắn hơn là tất cả người thân trong gia đình không bị lây nhiễm. Chị Yến Khoa cho biết: “Việc cách ly tại nhà tạo cho tôi tâm lý thoải mái khi được nghỉ ngơi, sinh hoạt như cuộc sống thường ngày. Trong thời gian điều trị, lực lượng y tế thường xuyên thăm hỏi sức khỏe, cho thuốc uống, khi nào không đến được thì liên hệ qua zalo để tư vấn. Nhờ đó, tôi yên tâm hơn, tự chăm sóc sức khỏe và không để lây nhiễm trong gia đình”.

Chú thích ảnh
Chị Cam Ngọc Trâm, xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long vừa khỏi bệnh sau thời gian điều trị tại nhà. 

Chị Cam Ngọc Trâm (xã Phú Đức, huyện Long Hồ) chia sẻ: “Lúc đầu  mới bệnh cũng sợ lắm, lo ở nhà nếu chuyển nặng thì không biết xử lý sao. Cũng nhờ có nhân viên y tế điện thoại hỏi thăm sức khỏe thường xuyên, tư vấn thêm nên tôi cũng yên tâm. Sau thời gian điều trị tại nhà, hiện nay tôi đã đủ sức khỏe để đi làm lại bình thường. Nhờ sự đồng hành hỗ trợ của y tế tại địa phương nên tâm lý tôi vững vàng hơn trong quá trình điều trị”.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Vĩnh Long, đến nay, toàn tỉnh có hơn 26.000 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, qua điều trị đã có hơn 20.000 trường hợp khỏi bệnh. Nhờ thực hiện hiệu quả công tác phân tầng và điều trị, nhận định đúng tình hình sức khỏe người bệnh nên đa số các trường hợp chuyển nặng được chuyển tuyến kịp thời, các trường hợp có bệnh nền đều được vận động đến cơ sở điều trị tập trung để đảm bảo an toàn nên chỉ có hơn 70 trường hợp tử vong.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh nhận định, điều trị F0 tại nhà là một mô hình hiệu quả. Việc điều trị tại nhà góp phần giảm tải cho các cơ sở điều trị tập trung, đồng thời người bệnh thoải mái hơn khi ở tại nhà và được hỗ trợ từ y tế, qua đó nhanh chóng bình phục. Hiện nay, trong bối cảnh địa phương đã nâng độ bao phủ vaccine đạt khá cao, các ca mắc đa số là trường hợp không triệu chứng, việc triển khai phương án này là khá phù hợp, vừa đảm bảo an toàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng cho biết, để công tác điều trị F0 đạt hiệu quả, Vĩnh Long đã chỉ đạo ngành Y tế tăng cường năng lực, trang thiết bị cho các trạm y tế lưu động thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo người bệnh được hướng dẫn, cấp phát thuốc và có các kiến thức cơ bản tự chăm sóc sức khỏe khi điều trị tại nhà. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có những giai đoạn số lượng F0 trên địa bàn tăng mạnh, gây quá tải cho lực lượng y tế cơ sở. Nhiều trạm y tế lưu động phải chăm sóc gần 500 F0 cùng lúc, dẫn đến việc người dân chưa thể tiếp cận ngay với nhân viên y tế khi có biểu hiện bệnh, công tác quản lý giám sát ở một số địa bàn chưa được sâu sát nên còn tình trạng lây nhiễm chéo trong gia đình. Do đó, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế và các địa phương có những giải pháp hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng với lực lượng y tế cơ sở, nâng cao năng lực trong công tác điều trị F0 tại nhà, hướng tới việc tạo tâm lý và điều kiện thoải mái để người dân yên tâm điều trị, sớm bình phục, để trở lại cuộc sống bình thường.

Bài cuối: Tăng năng lực cho y tế cơ sở

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả điều trị F0 tại nhà - Bài cuối: Tăng năng lực cho y tế cơ sở
Nâng cao hiệu quả điều trị F0 tại nhà - Bài cuối: Tăng năng lực cho y tế cơ sở

Xác định vai trò y tế tuyến cơ sở có ý nghĩa quyết định trong việc điều trị F0 tại nhà, tỉnh Vĩnh Long đang tăng cường các giải pháp nhằm động viên, hỗ trợ, giúp lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện tốt vai trò là cánh tay nối dài của y tế đối với người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN