Tổng hợp COVID-19 ngày 14/1: Việt Nam có 16.040 ca nhiễm mới; tập trung hỗ trợ điều trị F0 tại nhà

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 tại Việt Nam ngày 14/1 thu hút sự quan tâm của dư luận là cả nước có thêm 16.040 ca nhiễm mới và các địa phương tập trung hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.

Việt Nam có 16.040 ca nhiễm mới SARS-CoV-2

Tính từ 16 giờ ngày 13/1 đến 16 giờ ngày 14/1, Việt Nam ghi nhận 16.040 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, TP Hồ Chí Minh có số ca mắc trong ngày giảm nhiều nhất.

Chú thích ảnh
Nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: PV.

Trong số các ca nhiễm mới, có 14 ca nhập cảnh và 16.026 ca ghi nhận trong nước (giảm 674 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 11.914 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (giảm 299 ca), Đắk Lắk (giảm 241 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm 144 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Quảng Ngãi (tăng 121 ca), Đà Nẵng (tăng 108 ca), Phú Yên (tăng 92 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.980 ca/ngày.

Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 50 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại: Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP Hồ Chí Minh (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1). Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.991.484 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 20.181 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.985.320 ca, trong đó có 1.663.403 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (510.604), Bình Dương (291.917), Đồng Nai (99.161), Tây Ninh (84.502), Hà Nội (82.435).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 209 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.341 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Riêng Hà Nội công bố thêm 2.993 ca F0, trong đó, huyện Gia Lâm dẫn đầu số ca mắc. Các ca nhiễm mới phân bố tại 475 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (197); Bắc Từ Liêm (194); Long Biên (189); Đống Đa (184); Hoàng Mai (180); Nam Từ Liêm (178). Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 85.577 ca.

Các địa phương tập trung hỗ trợ F0 điều trị tại nhà

Tỉnh An Giang đã thống nhất chủ trương thực hiện phần mềm hỗ trợ quản lý F0 điều trị tại nhà theo đề nghị của Sở Y tế.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN.

Dịch COVID-19 tại địa phương đang diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trường hợp mắc COVID-19 được quản lý tại nhà chưa tốt, khi đến cơ sở điều trị đã trong tình trạng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, Sở Y tế tỉnh đang phối hợp với Công ty Camino, TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm phần mềm hỗ trợ quản lý F0 điều trị tại nhà tại thành phố Long Xuyên, Châu Đốc, huyện Chợ Mới, Phú Tân và Châu Phú, đến nay bước đầu đã mang lại kết quả tốt. Vì vậy, An Giang quyết định tiếp tục triển khai phần mềm hỗ trợ quản lý F0 điều trị tại nhà trên phạm vi toàn tỉnh.

Việc theo dõi, điều trị F0 được thực hiện bởi một phần mềm trực tuyến. Cụ thể, các F0 nhẹ có thể dùng điện thoại thông minh quét mã truy cập vào địa chỉ angiang.dieutrifo.vn để đăng ký được các bác sĩ tư vấn, hỗ trợ và điều trị tại nhà. Khi đăng ký trên phần mềm, các F0 sẽ được bác sĩ hướng dẫn đo chỉ số sinh hiệu, nhận đơn thuốc, theo dõi giờ uống và kiểm tra sức khỏe trực tuyến. Phần mềm sẽ xử lý nhanh, kịp thời và không bỏ sót thông tin từ các F0.

Đến chiều 13/1, An Giang đã ghi nhận 34.951 ca mắc COVID-19, với 1.215 ca tử vong. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 trong toàn tỉnh đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên đạt 98,5%, mũi 2 đạt 97,6% và mũi 3 đạt 13,3%; nhóm từ  12-17 tuổi mũi 1 đạt 100 %, mũi 2 đạt 92,8%... Tỉnh đang khẩn trương, rà soát xây dựng kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ em từ 5 - 11 tuổi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tại Nam Định hiện đã ghi nhận 5.260 ca mắc COVID-19; trong đó, 2.214 ca tại cộng đồng, còn lại là trong khu cách ly, phong tỏa. Hiện còn 1.497 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế của tỉnh, số còn lại đã xuất viện hoặc chuyển lên các Bệnh viện Trung ương điều trị. Trong bối cảnh số lượng ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng cao, nhiều ổ dịch tại doanh nghiệp, trường học phức tạp, khó kiểm soát, tỉnh đã yêu cầu các địa phương cơ sở rà soát, khảo sát các điều kiện cách ly, điều trị của các hộ trên địa bàn, để sẵn sàng điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà theo quy định, an toàn phòng dịch; đồng thời, thành lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà...

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 13/1: Triển khai phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán; cả nước ghi nhận 206 ca tử vong
Tổng hợp COVID-19 ngày 13/1: Triển khai phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán; cả nước ghi nhận 206 ca tử vong

Ngày 13/1, dư luận quan tâm đến các thông tin nổi bật sau: Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán 2022; Việt Nam có 16.725 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; Tất cả các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại TP Hồ Chí Minh đều đã xuất viện; Nghệ An điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN