Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán 2022
Bộ Y tế vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-BYT về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị y tế các ngành xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022; tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron.
Phân công trực 24/24 giờ hợp lý, khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định. Phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh; nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường ngay sau kỳ nghỉ Tết. Quan tâm, tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên đối với các cán bộ y tế công tác tại đơn vị.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán 2022. Chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, đô thị lớn, khu công nghiệp; các thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất; giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus, không để lây lan ra cộng đồng.
Cập nhật, triển khai có hiệu quả các hướng dẫn giám sát, cách ly phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an, nhất là tại tuyến cơ sở để thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có phương án đáp ứng, hỗ trợ kịp thời; tổ chức tiêm vét vaccine phòng COVID-19; bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Việt Nam có 16.725 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, ghi nhận 206 ca tử vong
Tính từ 16 giờ ngày 12/1 đến 16 giờ ngày 13/1, Việt Nam ghi nhận 16.725 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có thêm 26.031 ca khỏi bệnh, 206 ca tử vong.
Trong số các ca nhiễm mới, có 25 ca nhập cảnh và 16.700 ca ghi nhận trong nước (tăng 634 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.822 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Nam Định (giảm 99 ca), Khánh Hòa (giảm 95 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm 71 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (tăng 416 ca), Lạng Sơn (tăng 121 ca), Bến Tre (tăng 94 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.012 ca/ngày.
Từ 17 giờ 30 phút ngày 12/1 đến 17 giờ 30 phút ngày 13/1 ghi nhận 206 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh có 19 ca trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến: Bình Dương (1), Đắc Lắk (1), Long An (1), Đồng Nai (1), Tiền Giang (1), Ninh Bình (1), Phú Yên (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Tháp (30 ca trong 2 ngày), Vĩnh Long (14), Hà Nội (13), An Giang (11), Tiền Giang (11), Bình Dương (10), Long An (10), Cần Thơ (10), Tây Ninh (8 ), Bà Rịa - Vũng Tàu (8 ), Trà Vinh (7), Bến Tre (7), Sóc Trăng (6), Kiên Giang (6), Cà Mau (4), Bắc Ninh (3), Khánh Hòa (3), Lâm Đồng (3), Bình Thuận (3), Huế (2), Bình Định (2), Hà Giang (2), Phú Thọ (2), Hậu Giang (2), Bạc Liêu (2), Hòa Bình (2), Quảng Trị (1), Hải Phòng (1), Nghệ An (1), Hà Tĩnh (1), Đà Nẵng (1), Gia Lai (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 218 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.170 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
TP Hồ Chí Minh: Tất cả các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đều đã xuất viện
Chiều 13/1, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, toàn bộ 12 trường hợp nhiễm biến thể Omicron được cách ly và điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12 đã xuất viện.
Thông tin về tình hình sức khỏe của 12 trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, trong số 12 trường hợp này, chỉ có 2 trường hợp có triệu chứng sổ mũi nhẹ, ho, nhức đầu; những trường hợp còn lại không có triệu chứng. Hiện các trường hợp này đều đã được xuất viện đảm bảo theo quy định của Sở Y tế.
Thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện các bệnh viện đang điều trị cho 4.152 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 82 trẻ em dưới 16 tuổi, 301 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 12/1, Thành phố ghi nhận 275 bệnh nhân nhập viện, 292 bệnh nhân xuất viện và 19 trường hợp tử vong.
Về chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, đã có 18.493 người thuộc nhóm nguy cơ (chiếm 71,6%) đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Qua chiến dịch, ngành y tế phát hiện trên 5.000 người mắc COVID-19. Hiện ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang đi “từng ngõ, gõ từng nhà” để tư vấn, thuyết phục người có nguy cơ tiêm vaccine tại nhà. Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục phát tờ rơi hướng dẫn chăm sóc nhóm nguy cơ; đồng thời sẽ xét nghiệm tầm soát đợt thứ 3 cho nhóm đối tượng nguy cơ trong tháng 1 và giữa tháng 2 tiếp tục mở rộng nhóm đối tượng nguy cơ.
Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương thăm và làm việc tại Yên Bái
Trong hai ngày 12-13/1, ông Takeshi Kasai - Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương và ông Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cùng Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn dẫn đầu đã thăm, làm việc tại xã Đại Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 và sức khỏe học đường.
Tại đây, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai bày tỏ tin tưởng và ấn tượng về hoạt động của Trạm Y tế; công tác phòng, chống dịch cũng như việc triển khai chiến dịch tiêm chủng của xã, huyện... nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Ông Takeshi Kasai hy vọng, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương sẽ hạn chế thấp nhất ca tử vong do dịch bệnh; tin tưởng huyện Văn Yên cũng như tỉnh Yên Bái tiếp tục ứng phó hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh trong lâu dài.
Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai khẳng định, WHO sẽ tích cực đồng hành, ủng hộ, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với ngành y tế tỉnh trong công cuộc phòng, chống đại dịch.
Nghệ An: Điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp lại đúng dịp Tết Nguyên đán, tỉnh Nghệ An có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch.
Tại huyện Tương Dương, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 huyện cho biết đã có hướng dẫn điều chỉnh lại một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn huyện. Cụ thể, việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ theo quy định: Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị… và các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người…) như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shiper)… do cơ quan y tế thực hiện đúng theo quy định; xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở.
Huyện Tương Dương quy định 100% người dân trở về từ ngoại tỉnh phải khai báo tại cơ sở y tế (Trung tâm Y tế huyện hoặc Trạm Y tế xã, thị trấn). Đối với công dân thuộc diện cách ly tại nhà, trước khi thực hiện cách ly, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các xã, thị trấn cần khảo sát điều kiện cách ly, trường hợp không đáp ứng các điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú thì cần chuyển sang cách ly tập trung để đảm bảo an toàn.
Về thu phí xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các trường hợp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà theo yêu cầu phòng, chống dịch, Sở Y tế Nghệ An cho biết, đối với trường hợp áp dụng biện pháp cách ly tại cơ sở cách ly tập trung như trường hợp tự nguyện cách ly tập trung bắt buộc của Nhà nước lựa chọn được miễn phí xét nghiệm; trường hợp yêu cầu cách ly tại địa điểm khác (khách sạn, resort) phải chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm. Đối với các trường hợp còn lại (theo dõi sức khỏe hoặc cách ly tại nhà, nơi lưu trú), người dân phải chịu chi phí xét nghiệm nhằm đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, liên tục phát hiện các trường hợp dương tính trong cộng đồng và trong khu vực phong tỏa. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, từ 18 giờ ngày 12/1 đến 6 giờ ngày 13/1,tỉnh phát hiện 40 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 19 trường hợp phát hiện trong cộng đồng, 13 trường hợp là F1, 7 trường hợp từ các tỉnh có dịch về, 1 trường hợp từ Lào về.
Như vậy, tính đến 6 giờ ngày 13/1, Nghệ An đã phát hiện 9.544 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Hiện nay tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều đã có người dương tính với SARS-CoV-2, trong đó nhiều nhất là tại thành phố Vinh với 1.367 trường hợp, tiếp đó là huyện Quỳnh Lưu với 866 trường hợp, huyện Nghi Lộc 636 trường hợp…