Lần đầu tiên tổ chức cuộc thi 'Học sinh với An toàn thông tin 2022'

Ngày 13/1, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) thông tin về cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin 2022” lần đầu được tổ chức nhằm tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng internet an toàn cho học sinh, phụ huynh học sinh trên cả nước, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA thông tin về cuộc thi "Học sinh với An toàn thông tin năm 2022" lần đầu tiên được tổ chức.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết: Đây là lần đầu tiên cuộc thi được VNISA chủ trì tổ chức và dự kiến sẽ được duy trì thường niên, trở thành một phần trong chuỗi hoạt động Ngày an toàn thông tin Việt Nam. Thông tin của Cuộc thi đã được Ban Tổ chức đăng tải trên website chính thức của cuộc thi http://childsafe.vn.

Hoạt động này của VNISA đã được sự ủng, bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Biểu trưng của cuộc thi là hình ảnh Hiệp sĩ Dế mèn, lấy ý tưởng từ nhân vật Dế mèn trong truyện “ Dề mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: "Dân số Việt Nam hiện có khoảng 98 triệu dân, trong đó có khoảng 24,7 triệu là trẻ em. Tại Việt Nam, 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình một ngày từ 1-3 tiếng".

Môi trường Internet mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho trẻ em như: Cung cấp kiến thức, thông tin; tương tác, chia sẻ, kết nối; vui chơi, giải trí hấp dẫn, đa dạng. Tuy nhiên, Internet cũng có nhiều cạm bẫy khó lường đối với nhóm đối tượng là trẻ em - vốn chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.

“Với vấn đề trên, cách tốt nhất là trang bị cho trẻ các kiến thức, kỹ năng, công cụ cần thiết, những thứ có thể coi như là “vaccine số” để trẻ em có thể tự bảo vệ, tự phát triển an toàn lành mạnh trên môi trường mạng”, ông Nguyễn Thành Phúc nhận định.

Clip Ban tổ chức thông tin về cuộc thi:

Còn bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 do Cục quản lý trong năm 2021 đã nhận được 458 cuộc gọi tư vấn về các vấn đề trên môi trường mạng, tăng gấp đôi số cuộc gọi năm 2020. Số liệu này càng cho thấy việc trang bị cho các em học sinh “vaccine số” là cần thiết, đặc biệt cuộc thi hướng tới học sinh THCS và tiến tới các cấp học khác.

Theo Ban tổ chức, thời gian thi chính thức trong tháng 3/3-24/3/2022 và sẽ kết thúc vào tháng 4/2022. Đề thi gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm do hệ thống thi cung cấp ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi. Thời gian làm bài của thí sinh là 30 phút. Cuộc thi sẽ có nhiều giải thưởng hấp dẫn như: Giải thưởng tập thể dành cho các trường có số lượng học sinh dự thi nhiều nhất và bài thi chất lượng, gồm bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Ban tổ chức cuộc thi và phần thưởng bằng tiền mặt.

Giải cá nhân là các phần quà công nghệ hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh như máy tính bảng, máy đọc sách kindle…. gồm: 3 Giải Nhất, 8 Giải Nhì,15 Giải Ba, 50 Giải khuyến khích.

 

XM/Báo Tin tức
Tổng số tiền hỗ trợ từ các Quỹ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp gần 44.000 tỷ đồng
Tổng số tiền hỗ trợ từ các Quỹ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp gần 44.000 tỷ đồng

Năm 2021, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gần 44.000 tỷ đồng từ các Quỹ BHXH và BH thất nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN