Khát nhân lực chất lượng cao
Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước, chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành du lịch đang rất “khát” nhân lực lành nghề, chất lượng cao. Là địa phương chiếm tới 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhưng nhân lực ngành du lịch TP Hồ Chí Minh có sự lệch pha mạnh giữa cung - cầu.
“Tại TP Hồ Chí Minh có đến 63 đơn vị đào tạo các ngành nghề về du lịch, trong đó 18 đại học có đào tạo ngành du lịch, 21 cao đẳng/cao đẳng nghề và 24 trung cấp nghề/trung học chuyên nghiệp, thế nhưng số sinh viên, học viên tốt nghiệp vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 60% so với nhu cầu. Đó là chưa tính đến nguồn nhân lực ở các vị trí lao động gián tiếp, đặc biệt ở các vị trí quản lý”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.
Trong đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch đang tồn tại nghịch lý, sinh viên mới ra trường thiếu kinh nghiệm nên không được doanh nghiệp kí hợp đồng lao động, để có việc làm họ phải làm “chui” trong khi đó HDV có kinh nghiệm được các công ty lữ hành tranh nhau mới gọi thì họ lại không muốn kí hợp đồng lao động vì sợ bị trói buộc về thời gian và mối quan hệ. Mặt khác, các HDV này lại không đạt được trình độ đại học nên họ không được cấp thẻ HDV… khiến cho nguồn nhân lực của thành phố tuy đông về số lượng nhưng thiếu chất lượng.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố có 1.380 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành theo quy định, trong đó 51% là lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, chỉ có 3.146 hướng dẫn viên du lịch quốc tế được cấp thẻ, đa số các HDV này chỉ biết tiếng Anh, còn các thứ tiếng còn lại đều trong tình trạng thiếu trầm trọng HDV. Thậm chí, cả thành phố số HDV sử dụng được các thứ tiếng hiếm như: Hàn, Ý, Tây Ban Nha, Indonesia… được tính ở đơn vị hàng chục người.
Đào tạo thêm ngoại ngữ hiếm
Không chỉ thiếu nhân lực, ngành du lịch Việt Nam còn bị đánh giá rất yếu về chuyên môn. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năng suất lao động ngành du lịch Việt Nam thuộc hạng thấp nhất trong khu vực, đạt 3.477 USD/năm/người, chưa bằng 1/2 lần so với Thái Lan và chỉ bằng 1/15 so với Singapore…
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel, cho biết các trường đào tạo ngành nghề về du lịch không ít nhưng đa số chỉ chú trọng lý thuyết, chưa trang bị tốt kinh nghiệm thực tiễn và ngoại ngữ cho sinh viên. Vì vậy, các công ty lữ hành khi tuyển dụng hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, còn muốn đào tạo lành nghề phải mất 1 năm. Sở dĩ nguồn nhân lực ngành du lịch còn yếu về kỹ năng, ngoại ngữ và trình độ chuyên môn, nguyên nhân xuất phát từ khâu đào tạo.
Công tác đào tạo hiện nay vẫn chủ yếu đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường mà chưa theo quy chuẩn chung của tiêu chuẩn nghề du lịch (VTOS) đã được ban hành. Chỉ có 8/500 chương trình đào tạo của Việt Nam liên kết nước ngoài liên quan đến du lịch.
Đa phần HDV chỉ được đào tạo chuyên về tiếng Anh, mà thiếu trầm trọng các thứ tiếng hiếm. Điều này bắt buộc các doanh nghiệp lữ hành phải lựa chọn giải pháp cho du khách nghe thuyết trình bằng tiếng Anh hoặc dùng máy phiên dịch với chi phí đắt đỏ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lữ hành còn chọn thuê các HDV “chui” tiếng hiếm từ nước ngoài để giảm chi phí.
Ông Nguyễn Việt Anh, trưởng phòng Lữ hành thuộc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, người nước ngoài làm “chui” tại thành phố không ít. Chỉ cần ra các điểm du lịch của thành phố như: nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ, UBND thành phố… sẽ gặp các hướng dẫn viên tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Indonesia… ở đây. Điều này cho thấy chúng ta đang thiếu HDV du lịch các ngôn ngữ tiếng hiếm.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, việc thuê người nước ngoài hướng dẫn cho đoàn khách nước ngoài sẽ có nhiều hệ lụy. Trước hết, doanh nghiệp lữ hành phải chịu nhiều thiệt thòi, vì HDV có cơ hội mà hét giá cao. Mặt khác, do không phải người bản địa, nên HDV nước ngoài sẽ không thể nào hiểu rõ ràng về các địa danh, văn hóa con người của thành phố. Đó là chưa kể các HDV cố ý xuyên tạc lịch sử, làm sai lệch văn hóa, phong tục của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Điều này sẽ tạo một ác cảm không hay đối với khách du lịch nước ngoài khi đến thành phố.
Để giải bài toán thiếu nhân lực cho ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, các trường đại học cần nghiên cứu xây dựng giáo trình/giáo án dựa trên tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo du lịch phù hợp với yêu cầu tại Việt Nam. Ngoài ra, các trường cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp đang hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch để tạo ra môi trường cho sinh viên có cơ hội thực hành nhiều hơn, khi ra trường các sinh viên có thêm kinh nghiệm trong công việc.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Thương, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, các trường đào tạo ngành du lịch cần chú trọng thực hành và đầu tư hơn về ngoại ngữ cho sinh viên, nhất là các ngoại ngữ hiếm như: Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Indonesia... Bởi khi sinh viên được tiếp cận nhiều ngôn ngữ trong nhà trường, khi ra trường, các em sẽ không còn bỡ ngỡ với các ngôn ngữ hiếm.