Điện Biên 'kêu than' không trồng nổi rừng

Năm 2012, tỉnh Điện Biên trồng được gần 160 ha rừng phòng hộ, đến năm 2013, diện tích trồng mới giảm xuống còn 115 ha và 2014 là 101 ha, chỉ đạt trung bình 39% kế hoạch.

Với cơ chế chính sách hiện nay, các Ban quản lý rừng phòng hộ, các địa phương và ngành nông nghiệp “kêu than” là không thể trồng nổi rừng nếu không có sự thay đổi.

Hai nguyên nhân chủ yếu mà tỉnh Điện Biên nêu ra là thiếu đất và suất đầu tư trồng rừng phòng hộ quá thấp. Cụ thể là đất quy hoạch để trồng rừng, hiện đã giao cho các hộ dân, nên việc thu hồi để giao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ trồng rừng phải bồi thường số tiền rất lớn theo quy định Luật đất đai.

Diện tích quy hoạch để trồng rừng đang chồng lấn vào diện tích đã đầu tư trồng rừng từ vài chục năm trước, nhưng còn dang dở. Mặt khác, theo Quyết định số 60/2010 của Chính phủ quy định suất đầu tư tối đa cho trồng rừng trên mỗi héc ta rừng trong 4 năm chỉ có 15 triệu đồng là quá thấp, không đơn vị nào có thể thực hiện được.

Các Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Điện Biên như Ban quản lý huyện Mường Chà, Điện Biên và Tuần Giáo, dù đã được thành lập từ nhiều năm nay, nhưng chưa hề được giao đất để trồng rừng.

Ông Trần Văn Thại, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà cho biết, năm 2015, đơn vị đã tổ chức đi khảo sát thiết kế tại 5 xã trên địa bàn mà chưa thể sắp xếp được đất trồng rừng. Tại xã Sa Lông có 40 đơn xin trồng rừng, nhưng không thể thiết kế dự án trồng rừng vào đây được vì diện tích này chồng lấn vào các dự án trồng rừng của Chương trình 327, 661 từ nhiều năm qua, nhưng trên thực tế vẫn là đất trống.

Về vấn đề định mức suất đầu tư, với 15 triệu đồng đầu tư cho 1 ha rừng trồng mới trong 4 năm, từ khâu thiết kế dự án, trồng, chăm sóc… cho tới quyết toán thì phải nói là "dân hỗ trợ nhà nước chứ không phải nhà nước hỗ trợ dân" vì tính ra, mỗi công lao động trồng rừng chỉ được trả từ 40.000 - 60.000 đồng trong điều kiện địa hình hiểm trở, đi lại rất xa và khó khăn. Trong khi đó, giá nhân công lao động bên ngoài cao hơn rất nhiều.

Vấn đề ông Trần Văn Thại nhắc đến hiện đang là một bài toán khó giải của tỉnh Điện Biên. Bởi lẽ các dự án trồng rừng 327, 661 triển khai trên địa bàn tỉnh đã trên 20 năm, với diện tích thống kê “trên giấy” hàng trăm héc ta rừng. Tuy nhiên, hầu hết những dự án này chưa được nghiệm thu - quyết toán; hồ sơ - chứng từ qua thời gian thất lạc khác nhiều; diện tích thực tế hiện nay lại không có rừng vì nhiều lý do khác nhau… nên không thể nghiệm thu để quyết toán.

Bởi vậy, trên cùng một diện tích, không thể đầu tư 2 lần vì lần đầu còn chưa nghiệm thu - quyết toán xong. Nên mới xảy ra nghịch lý là diện tích đất thực tế không hề có rừng, nhưng lại không thể trồng rừng mới bởi trên hồ sơ của cơ quan quản lý thì đó là rừng phòng hộ, là dự án đang đầu tư và chưa được nghiệm thu - quyết toán…

Còn tại địa bàn huyện Điện Biên, lại đang xảy ra một thực trạng khác. Ông Hà Lương Hồng, Trưởng ban quản lý dự án rừng phòng hộ Điện Biên cho biết, từ tháng 10/2014, đơn vị đã làm các thủ tục để đầu tư trồng mới 100 ha rừng. Nhưng đến khi bắt đầu tổ chức phát dọn để trồng, nhân dân ở đó lại không đồng ý, vì sợ nếu trồng rừng phòng hộ, người dân sẽ không còn đất để làm nương.

Đáng chú ý là những bản phản đối quyết liệt nhất, lại là nơi có gia đình của lãnh đạo xã như xã Mường Pồn, Hẹ Muông… Câu hỏi đặt ra là có phải các lãnh đạo xã này, do có chút am hiểu về chính sách đất đai, nên tuyên truyền vận động “ngược” không ?

Mặt khác, các dự án trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng chỉ có thời hạn trong 5 năm. Sau đó không tiếp tục đầu tư quản lý, bảo vệ nữa, người dân địa phương sẽ coi như “đất vô chủ”, lại vô tư phá đi để làm nương luân canh, nên kết quả đầu tư không hề hiệu quả…

Bên cạnh đó, vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng ở tỉnh Điện Biên hiện cũng đang gặp phải trở ngại. Bởi lẽ tuy các địa phương đã phê duyệt và quy chủ rừng nhưng ngành kiểm lâm lại chưa hoàn thành việc thẩm định, thống kê diện tích trên thực tế hoặc đã làm nhưng kết quả không khớp với hồ sơ đã phê duyệt, khiến Quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng không thể giải ngân trên diện tích này.

Nguyên nhân này đã khiến cho tỉnh Điện Biên vẫn còn tồn đọng tới khoảng 200 tỷ đồng chưa trả cho tổ chức và cá nhân được giao quản lý bảo vệ rừng. Mặt khác, mức chi trả quá thấp đang “làm khó” cho chính quyền địa phương. Điển hình như ở huyện Mường Ảng chưa hề thực hiện việc chi trả khoản kinh phí này, bởi với mức 6.000 đồng cho mỗi héc ta rừng, nếu chi trả sẽ gây kết quả ngược cho tâm lý người dân được giao rừng.

Tại cuộc họp bàn về các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc tổ chức nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của UBND tỉnh Điện Biên mới đây, đã có khá nhiều ý kiến tham gia gỡ rối cho tình trạng này của tỉnh.

Điển hình trong đó là giải pháp của ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường khi đặt vấn đề quy hoạch một số dự án lớn trong trồng rừng thay thế, thay vì hàng trăm dự án nhỏ để khỏi mất nhiều thời gian làm thủ tục hồ sơ; hay giao cho chính chủ rừng trồng ngay trên diện tích đất trống nằm xen kẽ giữa các diện tích rừng phòng hộ đã được giao để khỏi phải làm thủ tục thu hồi và đầu tư mới…

Ông Lò Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo, cho dù có những vướng mắc vì quy định trong các cơ chế chính sách, song việc kiến nghị vẫn tiếp tục kiến nghị, việc thực hiện vẫn phải kiên quyết thực hiện.

Các cơ quan chuyên môn và địa phương cần tập trung quyết toán tất cả các dự án còn tồn đọng của Chương trình 327 và 661; khẩn trương hoàn thành việc ban hành quyết định giao rừng trước ngày 30/6 để chi trả kinh phí dịch vụ môi trường rừng; cố gắng hoàn thành thủ tục hỗ trợ 2 nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn đi vào hoạt động theo đúng quy định của nhà nước, để khuyến khích người dân tham gia trồng rừng kinh tế; đồng thời khẩn trương tiến hành thủ tục giao đất cho các Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn…

Tỉnh Điện Biên sẽ nghiên cứu việc thí điểm thu hồi đất dọc tuyến Quốc lộ 279, đoạn từ Nà Nhạn về thành phố Điện Biên Phủ để trồng rừng.


Chu Quốc Hùng (TTXVN)


Trồng rừng ngập mặn để giảm rủi ro thảm họa
Trồng rừng ngập mặn để giảm rủi ro thảm họa

Nam Định được xác định là một trong những tỉnh trọng điểm thiên tai trong các mùa mưa bão với 3 huyện ven biển. Tỉnh Nam Định có 91 km đê biển, hơn 300 km đê sông...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN