Các ngành chức năng trong tỉnh đã đưa ra những bản tin cảnh báo kịp thời để người dân có giải pháp phù hợp, hạn chế tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng quá lâu, khi nhiệt độ cao; đồng thời đưa ra nhiều khuyến cáo, phương pháp để người dân chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, đảm bảo các hoạt động sinh hoạt và năng suất lao động.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, mùa nắng nóng năm nay kéo dài và kết thúc muộn hơn so với nhiều năm. Đây là năm có số ngày nắng nóng trong tháng cao. Điển hình như tháng 3, tỉnh ghi nhận hơn 20 ngày nắng nóng ở mức nhiệt độ khoảng 37°C, còn lại các ngày khác trong tháng đều đạt khoảng 35°C. Trong tháng 4, nắng nóng tiếp tục xuất hiện trên diện rộng và kéo dài. Nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 35 - 37 độ C, độ ẩm thấp ở mức 30 - 40%. Thời tiết oi bức nhất trong ngày kéo dài từ 12 - 16 giờ.
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long Trương Hoàng Giang nhận định, trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hình thế nắng nóng, dự báo kéo dài sang tháng 5. Mùa mưa có khả năng sẽ xuất hiện muộn hơn nhiều năm, Ngay cả khi đã bước vào mùa mưa vẫn có thể có những đợt nắng nóng xen kẽ. Trước tình trạng thời tiết nắng nóng kéo dài, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh đã đưa ra các bản tin cảnh báo, đồng thời khuyến cáo người dân các biện pháp để đảm bảo sức khỏe như tăng cường sức đề kháng, hạn chế ra ngoài trời trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 - 16 giờ. Trong trường hợp phải đi ra ngoài hoặc phải làm việc dưới ánh nắng, người dân cần có biện pháp bảo hộ để tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Canh tác nông nghiệp trong thời tiết nắng nóng, nhiều nông dân tỉnh Vĩnh Long đã tăng cường sử dụng quần áo, trang bị bảo hộ như bao tay, mũ rộng vành và sắp xếp thời gian hợp lý để hạn chế lao động dưới ánh nắng vào thời điểm nắng gay gắt như giữa trưa.
Bà Nguyễn Thị Nhung (xã Phú Đức, huyện Long Hồ) cho biết, nông dân đang tập trung giặm lúa. Bên cạnh việc giặm lúa tại nhà, bà Nhung cùng nhiều phụ nữ khác đi giặm lúa thuê. Trong 10 ngày qua, mỗi người phải đứng ngoài ruộng gần 8 giờ/ngày. Do đó, để đủ sức khỏe, bà chọn ra đồng vào sáng sớm và nghỉ muộn hơn vào chiều tối, để thời gian nghỉ ngơi buổi trưa kéo dài, tránh đứng quá lâu dưới trời nắng nóng.
"Trời nắng, buổi sáng cứ hơn 5 giờ tôi ra đồng, đến hơn 10 giờ thì nghỉ. Buổi chiều, tôi ra đồng muộn hơn, khoảng 14 giờ mới làm, đến gần 18 giờ thì nghỉ. Mấy ngày nay nắng nóng quá nên đi làm phải đem theo nước, đội nón, mang khẩu trang thêm để bớt nắng”.
Thời tiết nắng nóng kéo dài những ngày qua cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, trong đó có những người lớn tuổi, người có bệnh nền, người lao động ngoài trời. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long ghi nhận nhiều trường hợp cảm cúm hoặc các bệnh lý về da do ảnh hưởng của nắng nóng.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thanh Thảo, Khoa Da liễu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết, những ngày qua, Khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám với các triệu chứng như nổi mẩn đỏ trên da, viêm da do ánh sáng mặt trời, nổi mề đay, trứng cá... Nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý này là do nắng nóng làm tăng tiết mồ hôi, gây rối loạn hàng rào bảo vệ da, từ đó dẫn đến tình trạng kích ứng da. Để bảo vệ da, hạn chế các bệnh về da gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người dân trước khi ra nắng nên sử dụng kem chống nắng phù hợp, tăng cường các trang bị bảo hộ. Khi có các vết nổi mẩn đỏ hoặc tình trạng kích ứng da, người bệnh nên đến khám sớm tại các phòng khám da liễu, riêng đối với bệnh nhân có tiền sử bệnh da mãn tính thì nên đến khám với bác sỹ theo đúng lịch hẹn.
Tiến sỹ, bác sỹ Hồ Thị Thu Hằng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời tiết nắng nóng kéo dài có thể dẫn đến các nguy cơ cho sức khỏe người dân như bỏng nhiệt, các bệnh lý trên da; cảm nhiễm các loại siêu vi, virus dẫn đến đau họng, cảm cúm; những bệnh lý đột quỵ, huyết áp; những nguy cơ tiềm ẩn do thực phẩm trong mùa nóng dễ bị ôi thiu; tình trạng sốc nhiệt do thay đổi đột ngột từ môi trường nóng sang môi trường lạnh… Bên cạnh những nguy cơ do tiếp xúc ánh nắng trực tiếp cũng có những nguy cơ do người dân không có dinh dưỡng đầy đủ, không uống đủ nước… nên sức đề kháng của cơ thể yếu.
Ngành Y tế khuyến cáo người dân quan tâm tăng cường sức đề kháng thông qua việc ăn uống các thực phẩm có nhiều vitamin, nhất là vitamin C; đặc biệt lưu ý người dân uống nước thường xuyên, bù đủ nước cho cơ thể khi làm việc ngoài trời và bài tiết nhiều mồ hôi. Người dân, nhất là người lao động trực tiếp và nhiều giờ dưới ánh nắng nên tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Đồng thời, người dân nên tiêm phòng các loại vaccine ngừa cảm cúm mỗi năm một lần.
Để bảo vệ, tránh các bệnh lý về da và cảm giác khó chịu khi nắng nóng, người dân cần tránh để da tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng bằng cách che chắn, sử dụng các trang thiết bị bảo hộ như nón, khẩu trang, bao tay, áo chống nắng… Người có các bệnh lý tăng huyết áp phải uống thuốc đầy đủ để đảm bảo huyết áp ở mức phù hợp theo khuyến cáo của bác sỹ và những người có bệnh lý như đái tháo đường thì phải điều trị để cơ thể có sức đề kháng tốt... Người dân nên kiểm tra kỹ thực phẩm trước khi sử dụng, tránh để thực phẩm quá lâu dẫn đến ôi thiu gây nôn mửa, tiêu chảy và mất sức...
Ngành Y tế cũng lưu ý vấn đề sức khỏe của học sinh do đặc thù các em ở độ tuổi hiếu động, ít quan tâm đến sức khỏe, thường xuyên di chuyển đột ngột giữa môi trường nắng nóng vào các nơi mát hơn. Ngành khuyến cáo các cơ sở giáo dục tạo điều kiện tốt để học sinh học tập, vui chơi thoải mái như: giữ cho phòng học thoáng, thông gió, tạo nhiều bóng mát trong sân trường. Nhà trường và nhân viên y tế nhắc nhở học sinh nghỉ ngơi đầy đủ, tăng cường sức đề kháng, tránh để quạt thổi trực tiếp vào người... đồng thời chuẩn bị các loại thuốc thiết yếu để xử lý khi có các trường hợp cảm cúm, kiệt sức... do ảnh hưởng của nắng nóng.