Các tuyến đường tại thành phố Thái Nguyên ngập sâu trong nước do cơn mưa kéo dài từ 19h ngày 20/6. Ảnh: Trần Trang/TTXVN
Tính đến 14 giờ ngày 22/6, mưa lũ và sạt lở đã làm 4 người thương vong (1 người chết ở Bắc Kạn; 3 người bị thương trong đó Thái Nguyên 1 người, Lạng Sơn 2 người); 112 nhà bị hư hỏng, tốc mái (H.Giang 1; Lào Cai 1; Lạng Sơn 110); 424 nhà bị ngập (Thái Nguyên 294 nhà, Bắc Kạn 44 nhà; Tuyên Quang 16 nhà, Phú Thọ 70 nhà), hiện nước đang rút.
Cùng với đó có gần 1.080 ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại (Bắc Kạn 396,7ha; Hà Giang 12ha; Thái Nguyên 86,4ha; Tuyên Quang 0,4ha; Lào Cai 2,4ha; Bắc Giang 350ha; Lạng Sơn 231ha); 46 con gia súc, 23.681 con gia cầm bị chết và 33,3ha thủy sản bị thiệt hại.
Tỉnh Thái Nguyên đã sơ tán 265 hộ, trong đó 202 hộ ven sông Cầu còn bị ngập, 63 hộ đã trở về nhà. Hiện các vị trí sạt lở đã được thông tuyến.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết, bị thương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng xuống địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để chỉ đạo quyết liệt ứng phó với mưa lũ. Ngày 21/6, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 94/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó với mưa lớn ở miền núi và Trung du Bắc Bộ.
Ngày 20/6, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công văn số 3439/BNNMT-ĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Ngày 21/6, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã có văn bản số 614/ĐĐ-QLĐĐ gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai công tác hộ đê, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều.
Ngày 20/6, Bộ Công an đã ban hành Công điện số 04/CĐ-V01 về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban (24/24h); theo dõi, giám sát thiên tai, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo ứng phó với mưa lũ; phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt; đăng tải Công điện số 94/CĐ-TTg ngày 21/6 của Thủ tướng Chính phủ; đăng tin, bài lên Website, các trang mạng xã hội; phối hợp với Zalo Việt Nam gửi tin nhắn hướng dẫn người dân chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt đến gần 7 triệu người dùng của 14 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; trong đó các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hòa Bình, Lào Cai, Bắc Ninh, Bắc Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo. Các địa phương khác đã triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến người dân để chủ động ứng phó.
Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi thời tiết, thông tin dự báo, cảnh báo và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, tỉnh Tuyên Quang yêu cầu UBND các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Tăng cường thông tin, phổ biến hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa dông, kèm lốc, sét, mưa đá và lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương thuộc tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh ứng phó với thiên tai. Cùng với đó, các huyện, thành và ngành chức năng tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, ngập lụt, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời các hộ dân bị ngập lụt, khu vực bị chia cắt, cô lập đến nơi an toàn; đồng thời, triển khai phương án hiệp đồng phòng, chống thiên tai, hộ đê chống lũ theo phương án được duyệt tại các tuyến đê trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các địa phương cử lực lượng công an, dân quân tự vệ, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã tổ chức lập chốt cảnh báo tại các tuyến giao thông bị ngập sâu, phân luồng giao thông để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Để tiếp tục ứng phó với thiên tai được Cơ quan Khí tượng thủy văn nhận định là còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa, lũ, sớm khôi phục sản xuất và tổ chức rà soát, tổng hợp thiệt hại.
Các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang triển khai công tác hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lớn cục bộ, lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh; sạt lở, ngập úng tại vùng trũng thấp.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các Cục: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Quản lý và xây dựng công trình Thủy lợi, Thuỷ sản và Kiểm ngư theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của mưa, lũ.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).