Người trồng rừng bỗng thành “lâm tặc”

Câu chuyện ở Quảng Ninh về việc người trồng rừng bỗng dưng trở thành lâm tặc khiến cho công nhân các lâm trường lo lắng, có người không dám nhận trồng rừng nữa. Điều này gây khó khăn và ảnh hưởng đến chủ trương chung của Chính phủ, phủ xanh đất trống đồi trọc.


Từ mục đích trồng rừng, bị khép tội phá rừng


Ngày 15/5/2013, cơ quan CSĐT CA huyện Bình Liêu đã khởi tố và bắt tạm giam bị can Hoàng Văn An (SN 1974), ở khu Bình An, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. Bị can này bị bắt tạm giam 120 ngày vì có hành vi phá 2,8 ha rừng tự nhiên từ ngày 27/9 đến hết ngày 29/9/2012.


Cây gỗ lâu năm hay rừng mới tái sinh? Ảnh: Nguyễn Tuấn

 

Trên thực tế, kết luận điều tra số 17/KLĐT của cơ quan CSĐT CA huyện Bình Liêu xác định: Ông An có ký hợp đồng số 09/GKR-ĐR với Cty lâm nghiệp Bình Liêu về việc giao khoán rừng và đất rừng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Tổng diện tích nhận khoán là 51,8 ha tại khoảnh 1 tiểu khu 287, trong đó có 31,8 ha rừng thông mã vĩ và 20 ha đất trống để trồng rừng.


Ngày 23/9/2012, ông An đã thuê ông Lỷ Mằn Phu (ở thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại), ông Mạ Văn Hồng (ở thôn Ngàn Chi, xã Vô Ngại) cùng một số người dân ở thôn Khủi Luông, xã Vô Ngại. Khi vào khoảnh 1 tiểu khu 287 thuộc Khe Dùng (chỗ làm lán), ông An đứng dưới khe chỉ lên và hướng dẫn ông Hồng cùng những người có mặt phát rừng từ quả đồi sau lán vào quả đồi bên trong với hình thức phát trắng để lấy đất trồng keo. Trước khi đi về, ông An giao ông Hồng có trách nhiệm giám sát và chấm công tổng, còn ông Phu chấm công từng người.


Từ ngày 24/9 đến ngày 5/10/2012, dưới sự giám sát của ông Hồng và ông Phu, những người dân trên đã tiến hành phát rừng để lấy đất trồng cây keo. Trong ba ngày (từ ngày 27 đến 29/9) những người dân này đã phát vào 2,8 ha rừng tự nhiên (loại rừng tự nhiên nghèo kiệt phục hồi sau nương rẫy). Qua kiểm đếm, số lượng cây bị chặt hạ là 1.072 cây (chỉ tính những cây đã đo chiều cao đoạn gốc cây tính từ mặt đất đến điểm chặt là 1,3 mét và có đường kính thân cây tại vị này từ 5 cm trở lên). Tổng trữ lượng là 60,4m3 gỗ, trữ lượng trung bình là 21,571 m3/ha. Giá trị thiệt hại về lâm sản là 22,316 triệu đồng.


Toàn bộ trữ lượng gỗ trên do ở xa đường quốc lộ và đường liên thôn, đường đi hiểm trở và kinh phí vận chuyển lớn gấp nhiều lần giá trị nên không thể đưa về cơ quan điều tra. Đến ngày 30/9/2013, toàn bộ số gỗ này đã bị mục hỏng.


Bà Ngô Thị Thảo, cán bộ phụ trách lâm nghiệp, phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: quy trình trồng rừng bao gồm các bước sau: Thứ nhất, xử lý thực bì theo kiểu phát trắng hoặc phát theo lô, theo khoảnh. Thứ hai, đào hố cây và bón lót phân. Thứ ba, sau 15 - 30 ngày thì tiến hành trồng cây. Đồng thời, bà cũng thừa nhận nếu là gỗ có giá trị thì cho dù để ngoài trời 2 năm cũng không thể bị mục được.


Việc ông An thuê người phát trắng rừng để lấy đất trồng keo là thực hiện đúng với quy trình trồng rừng. Hơn nữa, CSĐT CA huyện Bình Liêu cũng xác định giá trị gỗ thấp hơn nhiều so với chi phí vận chuyển. Do đó, không có chuyện ông An thuê người phá rừng vì mục đích kinh tế, mà mục đích ở đây chỉ là phát trắng để lấy đất trồng rừng.


Diện tích là đất trống


Theo hạt kiểm lâm Bình Liêu, độ tàn che của toàn bộ diện tích 2,8 ha rừng tại thời điểm có cây rừng bị chặt hạ là 0,13. Theo biên bản khám nghiệm hiện trường, khi xác định trữ lượng rừng, hạt kiểm lâm huyện Bình Liêu lại đo đường kính thân cây tại vị trí 1,3 m (tính từ gốc) đối với những cây có đường kính từ 4 cm trở lên.


Trong khi đó, Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn trình tự thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn lại cho thấy trữ lượng gỗ của lô rừng được tính từ cây có đường kính tại vị trí 1,3 m từ 05 cm trở lên. Vậy hạt kiểm lâm đã “nhầm” đường kính cây (từ 5 cm xuống thành 4 cm) khi xác định trữ lượng gỗ. Điều này khiến một số cây chưa đủ điều kiện vẫn được tính vào trữ lượng gỗ bị chặt phá.


Hạt kiểm lâm huyện Bình Liêu xác định 2,8 ha rừng bị chặt hạ là rừng gỗ tự nhiên, kiểu IIA (tức rừng phục hồi sau nương rẫy) với trữ lượng rừng 21,571m3/ha. Đối chiếu với điểm d khoản 1 Điều 8 thông tư số 34/2009/TT-BNN&PTNT ngày 10/6/2009 của Bộ NN&PTNT thì đây là rừng nghèo, cụ thể: “Đối với rừng gỗ: Rừng nghèo: trữ lượng cây đứng từ 10 đến 100 m3/ha”.


Theo ông Lê Công Tuyến, GĐ Cty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Liêu (Cty lâm nghiệp Bình Liêu), cơ quan ông An công tác, phần đất ông An xử lý thực bì là đất trống, không có rừng. Năm 2000, UBND tỉnh đã giao cho Cty quản lý và phát triển rừng, trong đó có diện tích đã giao cho ông An. Trên văn bản, toàn bộ diện tích mà Cty nhận đều là đất trống. Sau hơn 10 năm, do một số người dân phát rẫy nên có một số cây mọc lên, gọi là rừng phục hồi sau nương rẫy chứ không phải rừng tự nhiên. Phần lớn những cây đó đều là cây có giá trị kinh tế không cao.


Căn cứ theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP về phát triển bảo vệ rừng và Quyết định số 186 của Bộ NN&PTNT về quy chế quản lý 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng) thì diện tích rừng ông An tiến hành phủ bì là đất trống nên không cần phải làm thủ tục gì cả. Do đó, ông An được phép xử lý thực bì để trồng rừng.


Thực tế, cho dù coi 2,8 ha trên là rừng thì nó cũng thuộc đối tượng rừng tự nhiên nghèo kiệt được phép cải tạo theo quy định. Việc coi ông An có hành vi hủy hoại rừng trong trường hợp này là không đủ căn cứ.


Chưa đủ căn cứ buộc tội


Theo kết luận của ông Lục Nam Sơn, Chánh án TAND huyện Bình Liêu, trong phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Văn An, những căn cứ mà VKSND huyện Bình Liêu đưa ra chưa đủ sức thuyết phục và có phần mang tính áp đặt. Ví dụ như việc đưa ông Lê Công Tuyến vào nguyên đơn dân sự trong khi ông Tuyến không hề coi việc làm của ông An gây thiệt hại cho Cty. Trái lại, ông Tuyến khẳng định ông An đã thực hiện đúng quy trình của việc trồng rừng.


Hoặc việc xác định độ tàn che dựa trên việc “lấy mẫu”, nghĩa là lấy độ che phủ ở nơi có mật độ cây dày nhất để “áp sang” vị trí thưa hơn. Điều này chắc chắn sẽ không đảm bảo tính khách quan bởi không phải vị trí nào cũng giống nhau.


Theo ông Sơn, đứng ở góc độ là một công dân thì mức án mà VKSND huyện Bình Liêu đề nghị truy tố với ông An như vậy là nặng. Mức án mà người trồng rừng Hoàng Văn An đang phải đối mặt là từ 7 đến 15 năm tù.
Luật sư Hoàng Mạnh Thắng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nêu quan điểm: ông An chỉ thuê người xử lý thực bì để trồng rừng chứ không phạm tội hủy hoại rừng đối với diện tích đất 2,8 ha bởi những lý do sau: Thứ nhất, hợp đồng giao khoán rừng và đất rừng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp giữa Cty lâm nghiệp Bình Liêu với ông Hoàng văn An là đất trống. Hơn nữa, diện tích đất đó theo các quy định hiện hành từ Trung ương tới địa phương đều được phép cải tạo trồng rừng. Vì vậy việc cải tạo trồng rừng trên diện tích đó không sai so với quy định của pháp luật.


Thứ hai, việc xử lý thực bì là quy bắt buộc của công tác trồng rừng, đặc biệt là với việc trồng cây keo. Do đó, việc ông An thuê người dọn thực bì là thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật của việc trồng rừng.


Thứ ba, ông An không có động cơ hủy hoại rừng. Theo kết luận điều tra, mục đích của ông Hoàng Văn An là xử lý thực bì để trồng rừng. Mặt khác, toàn bộ số cây bị chặt hạ đều đã mục hỏng và chặt không phải vì mục đích kinh tế bởi chi phí vận chuyển còn lớn gấp nhiều lần so với giá trị lâm sản. Vậy có thể khẳng định ông An không có động cơ hủy hoại rừng, ở đây động cơ và mục đích của ông An đều là để trồng rừng.


“Việc ông An thuê người chặt cây trên diện tích 2,8 ha đất được Cty lâm nghiệp Bình Liêu giao, tuy thiếu một vài thủ tục nhỏ giữa Cty và ông An nhưng không vì thế mà VKSND Bình Liêu có thể khép ông An vào tội hủy hoại rừng. Nếu vụ án này không được xét xử một cách công tâm thì rất có thể ông An sẽ tiếp tục là một Nguyễn Thanh Chấn khác”, luật sư Thắng phân tích.


Hà Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN