Buýt nhanh BRT khó đáp ứng kỳ vọng của người dân

Được TP Hà Nội “ưu ái” bố trí làn đường riêng để vận hành, được trợ giá và đầu tư lớn với kỳ vọng thu hút đông người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng để hạn chế dần phương tiện cá nhân, nhưng sau gần 20 tháng triển khai, tuyến buýt nhanh BRT 01 Bến xe Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa đang có nguy cơ "mất khách".

Bất ngờ việc tạm dừng thí điểm vé điện tử buýt nhanh

Từ ngày 1/10/2018, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) triển khai thí điểm hệ thống vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân đi buýt nhanh và tăng số lượng hành khách. Tuy nhiên, sau gần 10 tháng triển khai, đến cuối tháng 7/2019, Transerco đã tạm dừng việc thí điểm này trên tuyến và quay lại bán vé giấy truyền thống như cũ.

Chú thích ảnh
Hành khách quẹt thẻ vé điện tử đi buýt nhanh.

Việc chuyển đổi vé điện tử sang vé giấy bắt đầu thực hiện lại từ ngày 27/7/2019 tại các Nhà chờ Kim Mã, Núi Trúc, Hoàng Đạo Thúy, Yên Nghĩa… Khách hàng chưa kịp chuyển đổi thẻ vé điện tử tháng tuyến BRT 01 sang vé giấy truyền thống thì vẫn có thể sử dụng thẻ vé tháng điện tử để dán tem tháng 8/2019, nhưng chỉ có giá trị sử dụng tới hết 31/8/2019.

Mặc dù triển khai thí điểm và tạm dừng, nhưng việc này lại đang gây xáo trộn không nhỏ cho hành khách. Nhiều người dân, nhất là những hành khách có tuổi đều bị bất ngờ với cách thức bán vé này trên tuyến.

Chị Trần Chi An, ở Hà Đông, khách hàng “ruột” của BRT cho biết: “Việc triển khai thí điểm thẻ vé điện tử đang dần được hành khách lựa chọn, nhất là người già, sinh viên vì tiện lợi, thì đơn vị quản lý, vận hành lại tạm dừng bất ngờ, gây không ít bất tiện cho hành khách, mất công sức, thời gian đổi đi đổi lại vé…

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Transerco, thẻ vé điện tử đã hết thời gian thí điểm, nên Transerco tạm dừng. Dự kiến triển khai tiếp hay không còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của thành phố và Sở GTVT về cơ chế, chính sách phù hợp. Song, mục tiêu triển khai thí điểm vé điện tử thời gian qua đã thành công về giải pháp công nghệ, yêu cầu quản lý, tính năng thẻ vé, nhất là hình thành được thói quen sử dụng thẻ vé điện tử.

“Thời gian tới, vé điện tử sẽ được triển khai trên toàn hệ thống buýt, chứ không riêng tuyến buýt nhanh BBRT, nhằm đảm bảo tính liên thông giữa các loại hình buýt, đường sắt đô thị, metro… từ đó có bức tranh tổng thể về dữ liệu về giao thông công cộng toàn thành phố”, ông Nguyễn Công Nhật cho hay.

Buýt nhanh chậm như buýt thường

Chị Nguyễn Thanh Vân, ở phố Cát Linh, hành khách thường xuyên sử dụng tuyến buýt nhanh BRT 01 đưa ra so sánh, trước đây khi chưa có tuyến buýt nhanh BRT 01, quãng đường từ Giảng Võ đến Mỗ Lao (Hà Đông) mất khoảng 45 phút. Tuyến buýt nhanh BRT 01 từ khi đi vào hoạt động (tháng 1/2017), chạy trên làn đường riêng chỉ mất khoảng 20 – 25 phút cho quãng đường trên, nên được nhiều hành khách lựa chọn. Tuy nhiên, đến nay, đi buýt nhanh thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn cả buýt thường, nhất là vào giờ cao điểm.

Chú thích ảnh
Ba chiếc buýt nhanh nối đuôi nhau trong giờ cao điểm.

Thực tế hiện nay, vào giờ cao điểm, sáng từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút, chiều từ 5 giờ đến 6 giờ 30 phút, hầu hết các chuyến buýt nhanh đều “chôn chân” giữa rừng phương tiện từ Giảng Võ đến Lê Văn Lương. Không ít thời điểm, buýt nhanh còn “dồn toa” xếp hàng nối đuôi nhau trên làn đường riêng. Thậm chí, buýt nhanh còn lấn hắn sang làn đường xe máy, chỉ để mong tăng tốc, nhưng vô vọng.

Sở GTVT Hà Nội vừa phê duyệt phương án tăng tần suất hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT 01 từ thứ 2 đến thứ 7, phân bổ theo khung giờ cao điểm: Sáng tăng 8 lượt và chiều tăng 12 lượt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng tuần suất này bất hợp lý, bởi lượng khách chưa thực sự tăng cao, trong khi làn đường riêng buýt nhanh BRT vào giờ cao điểm không thể phát huy được yếu tố nhanh.

Chú thích ảnh
Buýt nhanh lấn làn sang phần đường khác để mong tăng tốc.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, việc bị nhiều phương tiện cố tình lấn làn, đã và đang làm giảm chất lượng dịch vụ buýt nhanh, gây mất an toàn giao thông. Với làn đường riêng, buýt nhanh BRT có thể chạy được với tốc độ 20 – 30 km/giờ, tần suất 5 – 10 phút/chuyến, nhanh hơn hẳn so với xe buýt thông thường.

Để tăng hiệu quả buýt nhanh BRT, theo TS. Đinh Thị Thanh Bình, giảng viên Đại học GTVT, các lực lượng chức năng Hà Nội phải xử lý nghiêm hành vi lấn làn buýt nhanh; còn các cơ quan quản lý Nhà nước cần đánh giá chất lượng tuyến này, nếu lượng khách đông, nhiều người sử dụng xe cá nhân chuyển sang xe buýt nhanh sẽ tiếp tục nhân rộng, ngược lại nên để buýt nhanh thành buýt thường và trả lại làn đường cho người dân lưu thông…

Rõ ràng, với tình trạng ùn tắc như hiện nay, tuyến BRT 01 sẽ khó đảm bảo tần suất và thời gian di chuyển như mục tiêu ban đầu.

Tiến Hiếu/Báo Tin tức
Cận cảnh hành trình đi buýt nhanh BRT bằng vé điện tử
Cận cảnh hành trình đi buýt nhanh BRT bằng vé điện tử

Thay vì sử dụng vé giấy, hành khách đi lại trên tuyến buýt nhanh BRT Hà Nội bắt đầu sử dụng loại thẻ vé điện tử thông minh được làm bằng chất liệu nhựa tổng hợp (NFC), có gắn chíp điện tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN