Gần 5 triệu hành khách đi xe buýt nhanh BRT sau 1 năm vận hành

Sau hơn 1 năm vận hành, tuyến đã thực hiện được gần 124.500 lượt vận chuyển hành khách, sản lượng hành khách vận chuyển vừa cán mốc gần 5 triệu khách. Báo Tin tức có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội về những giải pháp để vận hành tuyến xe buýt nhanh hiệu quả hơn.

Tuyến buýt nhanh BRT 01 sau hơn 1 năm vận hành thể hiện được mặt tích cực như thế nào và mặt hạn chế nào cần phải khắc phục thời gian tới, thưa ông?

Nhiều chuyến BRT quá tải khách.

Tuyến buýt nhanh BRT 01 đoạn Bến xe Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa là loại hình có nhiều ưu điểm hơn xe buýt thông thường sau hơn 1 năm vận hành, như vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện để khẳng định tuyến buýt xương sống nội đô. 

Mặc dù là loại hình vận tải mới, từ giai đoạn đưa tuyến vào vận hành cho đến nay còn gặp nhiều khó khăn, buýt BRT vừa vận hành vừa phải hoàn thiện, khắc phục nhiều hạng mục bất cập. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết tâm từ UBND TP Hà Nội, sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng và đặc biệt là sự ủng hộ của dư luận, BRT 01 bước đầu đã được người dân chấp nhận và đánh giá tốt về chất lượng phục vụ, ý thức tham gia giao thông trên hành lang tuyến cũng dần tạo được thói quen và chấp hành kỷ luật về làn đường tương đối tốt. Có làn đường dành riêng, BRT chạy nhanh hơn buýt thường khoảng 30%, thời gian chạy xe ổn định, đúng giờ, tạo độ tin cậy cho hành khách.

Mặc dù kết quả bước đầu đã khẳng định loại hình buýt nhanh BRT có nhiều ưu điểm hơn xe buýt thông thường, nhưng với những yêu cầu từ thực tiễn cho một loại hình vận tải công cộng tiên tiến, thì tuyến BRT đầu tiên này vẫn còn bất cập cần tiếp tục hoàn thiện thời gian tới.

Cụ thể, do chưa có hệ thống vé tự động (vẫn áp dụng loại vé giấy truyền thống), nên hiện chưa thống kê được lưu lượng hành khách theo thời gian và các cung chặng trên tuyến. Chưa có hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên cho BRT qua các nút giao thông, nên mặc dù đã có làn đường riêng, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc đảm bảo lưu thoát cho BRT khi qua các nút giao. Chưa có hệ thống thông tin điện tử, kết nối trực tuyến các xe BRT theo thời gian thực tại các nhà chờ BRT.

Ngoài ra, khoảng cách từ vỉa hè qua cầu đi bộ đến nhà chờ còn xa, nhiều điểm chưa có hệ thống vạch và đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường; chưa có điểm gửi xe cá nhân cho hành khách tại các khu vực lân cận nhà chờ BRT. Đặc biệt, hệ thống tạo mạng gom và cấp khách đi/đến các nhà chờ từ các hướng khác nhau trong Thành phố (đến các cơ quan, trường học, khu dân cư đông) còn hạn chế…

Từ khi buýt nhanh đi vào hoạt động chưa có hiện tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, BRT đang có dấu hiệu quá tải, trung bình đạt 70 khách/chuyến giờ cao điểm, nhưng nhiều chuyến chở tới 100 - 110 khách, quan điểm của ông về vấn đề này?

Tuyến BRT 01 có chiều dài 14,7 km, điểm đầu là Bến xe Yên Nghĩa, điểm cuối là Bến xe Kim Mã. Lộ trình tuyến đi: Bến xe Yên Nghĩa - Ba La - Quang Trung (Hà Đông) - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Kim Mã và ngược lại. Thời gian phục vụ của tuyến: Từ 5 – 22 giờ, với tần suất ngày thường 5 - 10 phút/lượt, 358 lượt xe; ngày chủ nhật: 7 - 10 phút/lượt, 264 lượt xe.

Đề xuất cho xe khác đi vào làn đường BRT 01 có khả thi trước hình ảnh này.

Ngày cao điểm, BRT đạt 17.465 lượt hành khách/ngày. Trong đó, lượng hành khách bình quân giờ cao điểm vận chuyển đạt 70 hành khách/lượt, gần Tết đạt bình quân 87 hành khách/lượt (nhiều lượt xe vào giờ cao điểm đạt tới 95 - 110 hành khách/lượt. Bình quân giờ bình thường đạt 31 hành khách/lượt, giờ thấp điểm bình quân đạt 19 hành khách/lượt.

Thời gian qua, ngành Vận tải Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như mở mới, điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt thông thường, nhằm kết nối đến nhà chờ BRT tạo điều kiện cho người dân có thể sử dụng dịch vụ xe buýt đi đến các khu vực khác nhau trong Thành phố được thuận tiện hơn.

Cụ thể: tại các nhà chờ chưa có tuyến buýt kết nối, gom khách như trục đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) đã mở mới tuyến buýt số 105. Đô Nghĩa – Cầu Giấy để kết nối với nhà chờ Park city, La Khê và nhà chờ Văn Phú; trên trục đường Tố Hữu sau khi thực hiện điều chỉnh lộ trình tuyến 33, mở mới tuyến 103 thì sản lượng có tăng so với trước; tại Bến xe Yên Nghĩa đã thực hiện mở các mới tuyến buýt mở rộng vùng phục vụ đến các trung tâm hành chính phía Tây Nam (Thanh Oai, Ứng Hòa, Vân Đình, Mỹ Đức…); tại Kim Mã đã điều chỉnh một số tuyến vào đón trả khách ngay trong sân Kim Mã, cũng như mở mới các tuyến 99 và 107 cũng đã tạo mạng thuận lợi cho hành khách đi BRT chuyển sang các tuyến buýt thường… Nhờ đó, tình trạng ùn tắc trên tuyến đã giảm hẳn.

BRT vừa đạt mốc gần 5 triệu khách đi. Kết quả này có tạo tiền đề cho vận tải khách công cộng, nhất là buýt nhanh BRT mở thêm các tuyến tiếp theo. Vì theo dự kiến Hà Nội sẽ mở thêm 7 tuyến BRT? Để tiếp tục duy trì hiệu quả của BRT, thì những việc cần làm ngay là gì, thưa ông?

Mốc gần 5 triệu khách đi BRT 01 rõ ràng là kết quả khích lệ cho vận tải hành khách công cộng, trong đó có BRT tiếp tục phát triển. Kết quả này tạo tiền đề để mở thêm các tuyến tiếp theo.

Làn đường BRT01 chạy đêm.

Bên cạnh đó, các quy định, quy chuẩn của Bộ GTVT về các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị hiện chưa đầy đủ. Đề nghị Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các địa  phương hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo khung hành lang pháp lý cho hoạt động của hệ thống này trong tương lai.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần tăng cường duy trì đảm bảo giao thông làn đường cho tuyến BRT để đảm bảo thời gian chạy xe, tần suất hoạt động, phát huy tối đa hiệu quả công suất thiết kế của tuyến. Công tác thông tin tuyên truyền đến người dân vừa là tham gia đi lại bằng xe buýt BRT, vừa là hiểu và chia sẻ trong vấn đề ưu tiên tuyệt đối làn đường riêng cho tuyến, bởi vấn đề về tổ chức giao thông cho tuyến hiện vẫn được coi là điểm bất cập và khó khăn nhất trong việc khai thác tổ chức vận hành tuyến.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội vừa có đề xuất lên Sở GTVT Hà Nội trong quý I/2018 cho phép khai thác tối đa công năng của làn xe buýt nhanh BRT theo hướng, hàng ngày dự kiến có khoảng 5 - 6 tuyến xe buýt thường sẽ được chạy trên làn BRT và từ 23 - 4 giờ hàng ngày cho các xe khác được chạy bình thường trên làn đường này. Trước mắt, Trung tâm đã điều chỉnh lộ trình, giờ chạy của các tuyến buýt thường để khi lưu thông trên tuyến BRT tránh trùng lắp, cản trở hoạt động của các xe BRT.


Đăng Sơn/Báo Tin tức
Hà Nội nghiên cứu phân làn, khai thác hiệu quả tuyến buýt nhanh BRT
Hà Nội nghiên cứu phân làn, khai thác hiệu quả tuyến buýt nhanh BRT

Giao thông công cộng tại Hà Nội dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, chưa tạo được sự kết nối thuận tiện trong đi lại giữa các điểm giao thông công cộng với nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN