Theo báo cáo của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, đại dịch COVID-19 đã đảo ngược những thành tựu gần đây của thế giới trong việc giảm nghèo đói, bất bình đẳng, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương của nhiều nhóm thiệt thòi và yếu thế. Chính vì vậy, Tổng Thư ký LHQ cho rằng phục hồi từ COVID-19 là cơ hội để các nước xây dựng, phát triển các khung chính sách dài hạn nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
Phát biểu tại Khóa họp, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, ông Abdulla Shahid nhấn mạnh thế giới đã bước vào năm thứ ba của đại dịch COVID-19 do đó cần sớm rút ra các bài học kinh nghiệm cho thời kỳ hậu COVID, kêu gọi lồng ghép SDG vào các kế hoạch xây dựng lại tốt hơn và đề xuất một loạt biện pháp trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ, ông Collen Vixen Kelapile, cho rằng các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, đang bị bỏ lại phía sau với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, trong khi khả năng tiếp cận vaccine, nguồn tài chính cho quá trình phục hồi của những nước này còn rất thấp.
Từ thực tiễn quốc gia, các nước đã chia sẻ kinh nghiệm, các sáng kiến về chính sách xã hội để xử lý các tác động của đại dịch, nhất là về xóa đói, giảm nghèo, giải quyết thách thức về đảm bảo an ninh lương thực.
Phát biểu tại Khoá họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý nhấn mạnh sự phục hồi sau COVID-19 vẫn chưa đồng đều trên khắp thế giới. Quá trình thực hiện các SDG vào năm 2030 cũng đang bị gián đoạn, đặc biệt đối với các SDG về xóa đói, nghèo. Để giải quyết các thách thức này, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định xóa nghèo bền vững sẽ chỉ đạt được nếu cùng giải quyết được các mối đe dọa về an ninh lương thực; các khuôn khổ pháp lý và chính sách liên quan phải tập trung vào giảm nghèo đói và bất bình đẳng, nâng cao năng lực, đảm bảo sinh kế bền vững cho tất cả mọi người.
Đại sứ cũng nhấn mạnh, để đảm bảo an ninh lương thực, nền tảng quan trọng cho việc xóa đói giảm nghèo, các nước cần tăng cường đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho nông nghiệp để tăng năng suất, khả năng chống chịu và sự bền vững; Việt Nam sẵn sàng tham gia các khuôn khổ hợp tác của LHQ và muốn phát triển thành một trung tâm sáng tạo về lương thực thực phẩm ở khu vực. Đại sứ nêu lại các biện pháp toàn diện và thành tựu của Việt Nam trong việc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ SDG vì một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.
Những giải pháp mà Việt Nam đề xuất tại phiên họp này tập trung vào giải quyết các nguyên nhân gốc rễ gây ra đói nghèo và bất bình đẳng: Đó là cần tăng cường giáo dục, đào tạo, tạo công ăn việc làm, cải thiện sự gắn kết giữa các chính sách bảo trợ xã hội và nông nghiệp. Cộng đồng quốc tế cũng cần tăng cường hợp tác đa phương và huy động tối đa các nguồn lực để có thể phục hồi toàn diện và giải quyết khủng hoảng nợ.