MPI và Chương trình Lương thực Thế giới đã thực hiện khảo sát với gần 5.000 hộ gia đình tại 12 tỉnh của Guatemala, Honduras và El Salvador, đồng thời thu thập các câu trả lời trực tuyến từ khoảng 6.000 người. Kết quả cho thấy 92% số người tham gia khảo sát khẳng định rằng khó khăn kinh tế là động lực chính thôi thúc họ rời bỏ quê hương.
Trong khi 55% hộ gia đình được khảo sát cho rằng mức sống vẫn “giậm chân tại chỗ”, 31% tin rằng tình hình đang xấu đi và chỉ 13% cho rằng có sự cải thiện. Những nguyên nhân khác bao gồm tình trạng mất an ninh và bạo lực (5%), mong muốn đoàn tụ gia đình (6%), biến đổi khí hậu và tác động môi trường (6%).
Đáng chú ý, trong năm 2021 có 43% số hộ gia đình mong muốn di cư lâu dài sang một quốc gia khác, trong khi năm 2019 tỉ lệ này chỉ là 8%. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Ariel Ruiz Soto của MPI, mặc dù mong muốn di cư của người Trung Mỹ đang gia tăng, song chỉ 6% có kế hoạch di cư trong 12 tháng sau cuộc khảo sát và chỉ 3% thực sự chuẩn bị di cư.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 24% hộ gia đình ở 3 quốc gia có ít nhất một thành viên đã rời đi nước khác trong 5 năm qua và 57% trong số họ đã định cư tại quốc gia mong muốn, trong đó là 50% ở Mỹ. Trong khi đó, 28% người di cư đã trở về quê hương, với 24% bị trục xuất, 9% trở về tự nguyện, 5% chỉ tạm dừng chân và 1% thiệt mạng hoặc mất tích.
Theo bà Rossella Bottone, thuộc Văn phòng Chương trình Y tế Thế giới tại Mỹ Latinh và Caribe, chỉ có 19% người di cư từ ba quốc gia này đến các nước khác theo con đường hợp pháp, 55% sử dụng mạng luới của những kẻ buôn lậu và 22% chọn đi một mình hoặc gia nhập các đoàn người di cư không có giấy tờ hợp pháp.
Ước tính mỗi năm có khoảng 500.000 người di cư Trung Mỹ vượt qua Mexico để tìm đường tới Mỹ trong hành trình dài và nguy hiểm. Những người di cư chịu rủi ro cao bị bắt cóc và giết hại bởi các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Trong những tháng gần đây, cuộc khủng hoảng di cư tiếp tục lan rộng, khi hàng chục nghìn người di cư từ khu vực Trung Mỹ và Haiti bị mắc kẹt ở biên giới phía Nam Mexico, giáp Guatemala và tại biên giới phía Bắc với Mỹ. Cơ quan chức năng Mexico đã xác nhận khoảng 150.000 người di cư trái phép từ đầu năm đến nay.