Theo kênh CNBC (Mỹ), trong một bài báo có tiêu đề “The Hunger Virus Multiplies”, Tổ chức từ thiện toàn cầu Oxfarm cho biết cứ mỗi phút lại có tới 11 người chết vì đói khát và suy dinh dưỡng, trong bối cảnh tỉ lệ những người phải sống trong các điều kiện đói nghèo tăng vọt kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong khi đó, ước tính chỉ có khoảng 7 người tử vong/phút vì dịch COVID-19.
Có tới 155 triệu người trên khắp thế giới đang sống trong tình trạng khủng hoảng do mất an ninh lương thực hoặc tồi tệ hơn, tăng thêm 20 triệu người so với năm ngoái. Tổ chức từ thiện Oxfarm cảnh báo cuộc khủng hoảng đói nghèo đang ngày càng trầm trọng.
Chiến tranh và xung đột vẫn là nguyên nhân chính gây ra nạn đói, chiếm 2/3 số ca tử vong vì đói nghèo trên toàn cầu. Ngoài ra, sự bùng nổ của COVID-19 và những cú sốc kinh tế do hậu quả của đại dịch, cũng như cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ, đã đẩy hàng chục triệu người vào cảnh đói khát.
Báo cáo cho biết giá lương thực toàn cầu đã tăng đột biến lên 40%, mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm. “Số liệu thống kê này thật đáng kinh ngạc, nhưng chúng ta phải nhớ rằng những con số này được tạo ra bởi những người đang phải đối mặt với nỗi thống khổ không thể tưởng tượng được. Thậm chí, dù chỉ 1 người cũng đã là quá nhiều”, bà Abby Maxman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Oxfam Mỹ cho biết.
Tổ chức này cũng chỉ ra các quốc gia bị chiến tranh tàn phá - bao gồm Afghanistan, Ethiopia, Nam Sudan, Syria và Yemen - là một trong những điểm nóng về nạn đói tồi tệ nhất trên thế giới.
“Nạn đói đang được sử dụng như một thứ vũ khí trong chiến tranh, cướp đi thực phẩm, nước uống của dân thường và cản trở hoạt động cứu trợ nhân đạo. Người dân không thể sống an toàn hay tìm kiếm thực phẩm khi các khu chợ, cây trồng và vật nuôi đã bị bom đạn phá hủy”, bà Maxman nói.
Trong khi đó, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng ở những quốc gia là "tâm điểm của nạn đói mới nổi", chẳng hạn như Ấn Độ, Nam Phi và Brazil. Một số quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng dịch bệnh COVID-19.
Ngay cả những quốc gia có hệ thống lương thực tương đối ổn định, chẳng hạn như Mỹ, cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch và những cú sốc biến đổi khí hậu gần đây. Trong đó, nhóm người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như phụ nữ, người di cư và lao động phi chính thức là những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
“Các nhóm yếu thế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xung đột và đói nghèo. Phụ nữ và trẻ em gái thường được ăn cuối cùng và ít nhất. Họ phải đối mặt với những lựa chọn bất khả thi, như phải lựa chọn giữa đi chợ và có nguy cơ bị hành hung, hoặc ở nhà chứng kiến gia đình của họ đói khát”, bà Maxman nói.
Sự gia tăng số người chết vì đói khát xảy ra trong suốt 1 năm, thời điểm mà chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 51 tỉ USD, đủ để trang trải gấp 6,5 lần so với chi phí Liên hợp quốc ước tính để ngăn chặn nạn đói.
Trong khi đó, tài sản của 10 người giàu nhất thế giới cũng đã tăng 413 tỉ USD vào năm 2020, gấp 11 lần chi phí ước tính dành cho hỗ trợ nhân đạo toàn cầu của Liên hợp quốc.
“Các chính phủ cần ngăn chặn xung đột gây ra nạn đói thảm khốc. Chúng tôi cần Mỹ đóng vai trò tiên phong trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng đói nghèo này, bằng cách thúc đẩy chấm dứt các cuộc xung đột, cung cấp nguồn tài chính quan trọng để giúp cứu sống nhiều mạng sống ở hiện tại và giúp các cộng đồng xây dựng tương lai an toàn hơn”, bà Maxman nói.