Gia nhập ASEAN vào năm 1995 đã mở ra những cơ hội chiến lược để Việt Nam xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hội nhập khu vực sâu rộng.
Động lực từ "mái nhà chung"
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Từ một đất nước bị cô lập về chính trị và bao vây về kinh tế, Việt Nam đã tạo dựng được mối quan hệ với các nước Đông Nam Á theo hướng hữu nghị, ổn định và lâu dài, hợp tác toàn diện và chặt chẽ cả về đa phương và song phương. Sự hội nhập này tạo thuận lợi để bảo vệ lợi ích an ninh - chính trị, đồng thời nâng cao vị thế chiến lược. Việt Nam tiếp tục có những điều kiện thuận lợi hơn để phối hợp lập trường và hợp tác với các nước trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế phức tạp, hỗ trợ đắc lực cho việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.
Bà Hoàng Thị Hà, chuyên gia cao cấp và đồng điều phối Chương trình Nghiên cứu chính trị-chiến lược khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), đánh giá so với thời điểm mới gia nhập cách đây 30 năm, Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, trong đó sự tự tin về an ninh chính trị và đặc biệt là tư duy chiến lược cùng vai trò địa chính trị của đất nước ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã có bước chuyển từ “phòng thủ thận trọng” sang “tự tin dẫn dắt”, đặc biệt trong các vấn đề khu vực như tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên hay quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) cho Mỹ và Nga tham gia vào năm 2010 – những dấu mốc thể hiện tư duy chiến lược và bản lĩnh địa chính trị ngày càng trưởng thành. Đây là những bước góp phần khuyến khích các nước lớn ủng hộ và tuân thủ những nguyên tắc ứng xử của ASEAN, bao gồm tham vấn và đối thoại, giải quyết hòa bình tranh chấp và thượng tôn pháp luật; đồng thời tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực, qua đó bảo vệ lợi ích an ninh và giữ vững tự chủ chiến lược của Việt Nam.
Việt Nam không chỉ hưởng lợi từ cơ chế tham vấn, đối thoại và giải quyết hòa bình tranh chấp mà còn đóng vai trò bảo vệ, củng cố những nguyên tắc nền tảng này. ASEAN giúp Việt Nam củng cố thế cân bằng chiến lược, duy trì độc lập tự chủ trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng phức tạp.
Bệ phóng cho hội nhập và phát triển kinh tế
Là thành viên ASEAN, Việt Nam có điều kiện tiếp cận thị trường gần 700 triệu dân, mở rộng không gian hợp tác kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cải thiện năng lực cạnh tranh. Từ một trong những nước nghèo nhất khu vực, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, lọt top 20 nước hấp dẫn nhất về đầu tư nước ngoài và quy mô thương mại.
Giáo sư Chu Hoàng Long. Ảnh: TTXVN phát
Giáo sư Chu Hoàng Long (Đại học Quốc gia Australia) nhận định gia nhập ASEAN là dấu mốc quan trọng thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, minh bạch hóa môi trường kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản trị. Việc tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) cùng nhiều thỏa thuận thương mại trong ASEAN đã giúp Việt Nam “đi tắt đón đầu” vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, các sáng kiến hỗ trợ trong ASEAN còn tạo điều kiện để Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, tiếp cận công nghệ mới và nâng cấp hạ tầng kết nối.
Theo học giả Thái Lan Kavi Chongkittavorn, Việt Nam đã khéo léo tận dụng các thời cơ kinh tế và địa chính trị để điều chỉnh chiến lược linh hoạt, tăng khả năng thích ứng với các cú sốc trong nước và quốc tế. Bà Dinna Prapto Raharja, Viện nghiên cứu chính sách Synergy của Indonesia, cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế có khả năng thích ứng cao nhất ở châu Á, với năng lực phục hồi mạnh mẽ sau các cú sốc như đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng và biến động địa chính trị.
Khẳng định tầm vóc đối ngoại
Gia nhập ASEAN cũng tạo nền tảng để Việt Nam mở rộng mạng lưới đối ngoại, nâng cao vị thế quốc tế và thúc đẩy tiến trình hội nhập toàn diện. Từ ASEAN, Việt Nam từng bước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, chiến lược với nhiều cường quốc và đối tác, như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... ASEAN được ví như điểm khởi đầu, giúp Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng và đến nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó thiết lập quan hệ đối tác toàn diện/chiến lược/chiến lược toàn diện với 35 nước, trong đó tất cả các thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng của ASEAN. Việt Nam cũng là thành viên của hơn 70 diễn đàn/tổ chức khu vực/quốc tế và có mạng lưới FTA với hơn 60 quốc gia và nền kinh tế.
Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN - đánh giá ASEAN là môi trường thực hành hội nhập thực chất, giúp Việt Nam đào tạo thế hệ cán bộ ngoại giao có kinh nghiệm đa phương. Thông qua các khuôn khổ hợp tác ASEAN, các nhiệm vụ luân phiên mà Việt Nam đảm nhận trong hiệp hội gồm 10 nước thành viên, Việt Nam có điều kiện mở rộng, đa dạng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, trong đó có nhiều cường quốc, trung tâm có vai trò và vị thế quan trọng của thế giới.
Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Indonesia. Ảnh: Đào Trang/PV TTXVN tại Indonesia
Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương kết luận tư cách thành viên ASEAN đã mở ra cho Việt Nam những cơ hội rộng mở, từ củng cố môi trường khu vực hòa bình - ổn định, mở ra không gian hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam còn được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình hợp tác khu vực trên các trụ cột của Cộng đồng ASEAN, từ phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác, biển, phát triển bền vững, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, đến giáo dục, lao động, khởi nghiệp, y tế, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh...
Trong bối cảnh ASEAN đang định hình Tầm nhìn Cộng đồng 2045, Việt Nam xác định rõ ASEAN là trụ cột trong chính sách đối ngoại - như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm gia nhập: "Ưu tiên đối ngoại của Việt Nam thời gian tới là nỗ lực cùng ASEAN tiếp tục xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực".
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ: "Đứng trước khởi điểm lịch sử mới, Việt Nam và ASEAN cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng". Đối với Việt Nam, là xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đối với ASEAN, là Tầm nhìn Cộng đồng 2045 hướng tới một ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Cùng ASEAN hướng về tương lai, Việt Nam đang nỗ lực phát huy vai trò chủ động, tích cực và trách nhiệm để góp phần xây dựng một cộng đồng hòa bình, tự cường, sáng tạo và phát triển bền vững – vì lợi ích của gần 700 triệu người dân Đông Nam Á và vì một châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm và thịnh vượng.