Chuyên gia Thong Mengdavid trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Phnom Penh nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2025). Ảnh: Quang Anh/PV TTXVN tại Campuchia
Đây là nhận định của Thạc sỹ Thong Mengdavid, chuyên gia phân tích địa chính trị khu vực và an ninh quốc tế, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chính sách công (IISPP), Đại học Hoàng gia Phnom Penh (RUPP), trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Campuchia nhân kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2025).
Theo chuyên gia Thong Mengdavid, trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực toàn cầu ngày càng gia tăng, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam kiên định lập trường ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN bằng cách thúc đẩy tính trung lập và đoàn kết của ASEAN, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng và sự can thiệp từ bên ngoài có thể dẫn đến chia rẽ tình đoàn kết ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là bên chủ chốt đấu tranh ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông bằng cách kiên định lập trường giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS), cũng như thúc đẩy hoàn thành dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chuyên gia thuộc IISPP cho rằng Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong kết nối các nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua nỗ lực tham gia đàm phán các hiệp định thương mại khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng khu vực và hội nhập sâu rộng hơn.
Trong bối cảnh địa chính trị khu vực và toàn cầu ngày càng phức tạp và khó đoán định hiện nay, chuyên gia người Campuchia cho rằng để duy trì vai trò trung tâm của mình, ASEAN cần ưu tiên đoàn kết, thống nhất nội bộ và đồng thuận trong các vấn đề then chốt của khu vực. Ông nhấn mạnh: “Một ASEAN gắn kết sẽ có vị thế ngày càng tốt hơn trong việc kiểm soát các áp lực từ bên ngoài, cũng như tránh bị chia rẽ bởi cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Sự phối hợp chính sách chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên là hết sức quan trọng trong việc đưa ra tiếng nói chung về các vấn đề an ninh và kinh tế khu vực”.
Theo nhà phân tích đang công tác tại RUPP, ASEAN cũng nên củng cố các cơ chế thể chế của mình, chẳng hạn như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN và ADMM+; đồng thời thúc đẩy các cơ chế hòa bình của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) và Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các diễn đàn và thỏa thuận an ninh này cần đưa ra phản ứng nhanh hơn và có khả năng giải quyết các thách thức chiến lược như tranh chấp ở Biển Đông, vấn đề an ninh mạng, an ninh khí hậu và tội phạm xuyên quốc gia.
Từ góc tiếp cận đó, chuyên gia Thong Mengdavid cho rằng ASEAN cần bảo vệ quyền tự chủ chiến lược của mình bằng cách hợp tác với các đối tác ngoại khối thông qua một khuôn khổ do ASEAN dẫn dắt, trong đó đảm bảo các cường quốc bên ngoài tuân thủ các giá trị chuẩn mực và nguyên tắc vận hành của ASEAN. Theo ông, việc mở rộng hợp tác khu vực, bao gồm Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) được thông qua năm 2019 và Khuôn khổ kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thông qua năm 2021, có thể giúp duy trì sự can dự và vai trò lãnh đạo của ASEAN trong khu vực rộng lớn hơn; đồng thời giúp giảm bớt áp lực từ các cường quốc ngoại khối vốn đang tìm cách dẫn dắt các cơ chế của ASEAN vì lợi ích riêng.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia phân tích địa chính trị khu vực, ông Thong Mengdavid cho rằng Việt Nam có thể đóng góp vào nỗ lực duy trì vai trò trung tâm của ASEAN bằng cách tiếp tục giữ vai trò của một thành viên tích cực, thông qua việc dẫn dắt các nỗ lực duy trì luật pháp quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông, cũng như thúc đẩy các giải pháp đa phương dựa trên luật lệ.
Ông khẳng định: “Chính sách ngoại giao cân bằng của Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò hình mẫu về quốc phòng chiến lược, giúp củng cố tính trung lập của ASEAN. Hơn nữa, Việt Nam có thể góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế, chuyển đổi số và ứng phó với khủng hoảng bằng cách chia sẻ thực tiễn phát triển rất tốt của mình, cũng như ủng hộ các sáng kiến khu vực".