Đổi mới công tác dạy nghề, nâng cao năng suất lao động, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhất là thanh niên… là những mục tiêu được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng tới trong năm 2015. Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời phóng viên TTXVN về những nội dung này.
Bộ trưởng Bộ lao động-thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN |
Bộ trưởng có thể cho biết một số kết quả nổi bật của ngành trong giải quyết việc làm trong năm qua và mục tiêu tạo việc làm năm 2015?Trong năm 2014, cả nước đã có khoảng 1,6 triệu lao động được giải quyết việc làm, đạt 100% kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, tăng 3,6% so với năm 2013. Trong đó, tạo việc làm trong nước gần 1,5 triệu lao động (đạt 98,8% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm 2013); xuất khẩu lao động khoảng 106 ngàn người (đạt 120,68% kế hoạch, bằng 119,1% so với 2013).
Đây là lần đầu tiên số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài đạt trên 100.000, góp phần quan trọng đạt mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người lao động.
Hầu hết các tỉnh, thành phố đều hoàn thành kế hoạch tạo việc làm đã đề ra. Trong đó, các tỉnh, thành phố thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm vẫn tiếp tục phát huy vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo được nhiều việc làm cho người lao động.
Điển hình như, Thành phố Hồ Chí Minh (282 nghìn người), Hà Nội (trên 138 nghìn người), Đồng Nai (trên 91 nghìn người), Bình Dương (trên 46 nghìn người), Hải Phòng (trên 51 nghìn người), Cần Thơ (gần 51 nghìn người), Hải Dương (gần 31 nghìn người)...
Thị trường lao động trong nước ngày càng phát triển. Các hoạt động thông tin, dự báo thị trường lao động được triển khai đồng bộ trong cả nước; các trung tâm dịch vụ việc làm ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ và thường xuyên hơn, quy mô mở rộng hơn, hiệu quả kết nối cung - cầu lao động cao hơn, nhất là ở các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm như: Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh...
Cùng với việc tổ chức sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm, nhiều địa phương đã tổ chức các sàn giao dịch vệ tinh, lưu động và các ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm.
Thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục được củng cố và phát triển, thị trường truyền thống được giữ vững, một số thị trường trọng điểm có mức tăng trưởng cao như Đài Loan tăng 29,4%, Nhật Bản tăng 96,1%...
Bộ đã nắm tình hình người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc và xây dựng các giải pháp giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp để ký thỏa thuận hợp tác mới; tiến hành đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định hoặc Thỏa thuận hợp tác lao động với nhiều nước như Thái Lan, Angola, Lào, Liên bang Nga...
Công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng. Các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong tổ chức tuyển chọn, giáo dục định hướng, dạy nghề tạo nguồn cho xuất khẩu lao động theo yêu cầu của thị trường; hỗ trợ người lao động vay vốn, chi phí học nghề, ngoại ngữ...
Một số địa phương có số lao động đi làm việc ở nước ngoài cao như: Nghệ An (trên 13.000 người), Thanh Hóa (trên 9.000 người), Hải Dương (trên 6.500 người)...
Năm 2015 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đề ra không chỉ là yêu cầu trong năm 2015, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm.
Dự báo tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều yếu tố khó lường; trong nước còn nhiều khó khăn thách thức. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra mục tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu người, trong đó: tạo việc làm trong nước cho hơn 1,5 triệu người, xuất khẩu lao động 90.000 người.
Thưa Bộ trưởng, câu chuyện năng suất lao động đã được nhắc đến nhiều trong năm qua. Thực tế năng suất lao động Việt Nam đang ở mức nào và cần giải pháp gì để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian tới?Năng suất lao động là một chỉ tiêu phản ánh năng lực, kết quả sản xuất của một quốc gia. Năng suất lao động phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng quản lý... Năng suất của Việt Nam so với thế giới còn rất thấp, so với khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 7/10 nước về năng suất lao động.
Năng suất lao động của nước ta còn thấp do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Trình độ công nghệ sản xuất của Việt Nam thấp, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu, đặc biệt trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỷ lệ công việc thủ công, giản đơn còn lớn. Việc làm vẫn tập trung ở nhóm ngành có năng suất thấp, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn cao (chiếm tới 47 %).
Chất lượng nguồn nhân lực thấp, đa số lao động trong nông nghiệp chưa qua đào tạo dẫn đến năng suất lao động thấp. Tổng lao động đã qua đào tạo tăng nhưng lao động có chứng chỉ, bằng cấp mới đạt 18,25%.
Bên cạnh đó, trình độ quản lý chưa cao, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng kinh tế còn hạn chế. Hiệu quả quản lý đồng thời ở tầm vĩ mô và vi mô (doanh nghiệp) ở nước ta còn thấp, cơ cấu kinh tế, thủ tục hành chính... kém hiệu quả cũng dẫn đến năng suất lao động thấp.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng năng suất lao động xã hội như nói ở trên phản ánh năng lực sản xuất của một quốc gia, không phản ánh năng lực cá nhân. Do vậy, nếu nói rằng một người lao động Singapore tạo ra của cải, giá trị bằng 15 người lao động Việt Nam là không có cơ sở vì sự chênh lệch này còn do công nghệ sử dụng và hiệu quả của quản lý.
Để giúp cho năng suất lao động của Việt Nam được tăng lên, với nhiệm vụ được Chính phủ phân công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Những vấn đề còn lại thuộc cái chung, Chính phủ sẽ có biện pháp đổi mới thiết thực, tạo bước ngoặt trong chính sách để tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất mới có điều kiện để đưa năng suất lao động cao hơn.
Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2015. Theo Bộ trưởng, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp đi vào cuộc sống sẽ góp phần cải thiện chất lượng lao động Việt Nam như thế nào trong thời gian tới?Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành có ý nghĩa rất lớn trong điều kiện năng suất lao động của Việt Nam chưa cao, có một phần là do chất lượng nguồn nhân lực. Thông qua Luật yêu cầu đào tạo nhân lực cao hơn, cả về chất lượng.
Luật tạo ra cơ chế mở, cho phép các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được phép tổ chức các trường đào tạo nghề; được nhập các thiết bị, đào tạo đội ngũ giáo viên ở nước ngoài để thích ứng với công nghệ mới. Đồng thời, Luật ưu tiên cho các doanh nghiệp được tổ chức các nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu; có chính sách đặc thù cho các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc được học nghề.