Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, quản lý giáo dục, doanh nghiệp trao đổi giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế của thị trường lao động, hướng đến xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long phát biểu tại hội thảo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cho biết, mối liên kết “ba nhà” gồm Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cần được gắn kết chặt chẽ, cùng vận hành trong một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò định hướng, kiến tạo thể chế và chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới công nghệ. Nhà trường là nơi sản sinh tri thức, đào tạo nguồn nhân lực có tư duy phản biện, kỹ năng thực tiễn và khả năng thích nghi cao. Doanh nghiệp là môi trường ứng dụng, sáng tạo, phản hồi thực tiễn, đồng thời là bạn đồng hành không thể thiếu trong định hướng đào tạo và nghiên cứu.
Với vai trò là một cơ sở đào tạo kỹ thuật trọng điểm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cam kết đóng vai trò cầu nối giữa tri thức, kỹ năng, công nghệ, kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới nhằm xây dựng một nền giáo dục gắn với thực tiễn, phục vụ phát triển bền vững của đất nước và khu vực. Nhà trường xác định rõ nhiệm vụ đồng hành cùng chiến lược phát triển quốc gia thông qua các giải pháp trọng tâm như: đổi mới mô hình đào tạo; tăng cường hợp tác giữa đại học - doanh nghiệp - Nhà nước; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ; khuyến khích đổi mới sáng tạo trong sinh viên và giảng viên...
Giám đốc Trung tâm Thông tin Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam Nguyễn Quốc Tuấn phát biểu tại hội thảo.
Giám đốc Trung tâm Thông tin TTXVN khu vực phía Nam Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, trong bối cảnh hiện nay, sự hợp tác giữa “ba nhà”: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp được coi là yếu tố cốt lõi, còn báo chí chính thống không chỉ đảm nhận nhiệm vụ truyền thông mà trở thành một hạ tầng mềm thiết yếu, góp phần dẫn dắt nhận thức, lan tỏa tư duy mới, đồng hành cùng hệ sinh thái khởi nghiệp và chuyển đổi số.
Với vị thế là hãng thông tấn quốc gia, cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng, Nhà nước, tổ hợp truyền thông đa phương tiện mạnh, TTXVN sẵn sàng đảm nhận vai trò truyền thông, phản biện, kết nối và lan tỏa giúp mô hình liên kết “ba nhà” vận hành hiệu quả. TTXVN đã có nhiều đóng góp trong các chiến lược về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh thông qua những chiến dịch truyền thông quốc gia về startup, các nền tảng phổ biến tri thức đại chúng… Đầu năm 2025, TTXVN đã xây dựng chuyên mục “Việt Nam – Kỷ nguyên mới” và “Phát triển kinh tế tư nhân” trên tất cả các nền tảng báo chí - truyền thông. Các chuyên mục, chuyên đề với những bài viết sâu sắc, dễ tiếp cận đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến nhận thức, mô hình phát triển và tư duy mới, đồng thời truyền cảm hứng hành động, lan tỏa tinh thần đổi mới trong toàn xã hội.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn nhấn mạnh, TTXVN sẵn sàng đóng vai trò “bệ phóng hình ảnh”, giúp “ba nhà” kể câu chuyện của mình một cách hấp dẫn, chân thực và uy tín, từ đó mang lại hiệu quả phát triển chung. Đối với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, TTXVN sẽ góp phần quảng bá chương trình đào tạo, xây dựng các kế hoạch truyền thông phát huy tiềm năng, thế mạnh; đồng thời phản ánh nhu cầu thực tế của thị trường lao động nhằm hỗ trợ nhà trường điều chỉnh chương trình đào tạo ngày càng sát thực hơn. Từ thực tiễn đồng hành cùng mô hình “ba nhà”, TTXVN có thể đề xuất các cơ chế mới, đặc biệt là những điều chỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, từ đó thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào giáo dục đào tạo.
Ngoài ra, với mạng lưới phóng viên trải rộng tại 34 tỉnh, thành trong cả nước và hơn 30 quốc gia trên 5 châu lục, TTXVN sẵn sàng đóng vai trò kết nối và lan tỏa giữa nhà trường - Nhà nước - doanh nghiệp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên giúp TTXVN có được nguồn thông tin rộng, sâu, từ đó có thể kết nối nhu cầu doanh nghiệp với nhà trường, đồng thời góp phần phản ánh thực tiễn để cơ quan Nhà nước ban hành, điều chỉnh chính sách sát thực hơn. Thông qua các sản phẩm truyền thông, những gương điển hình, mô hình hiệu quả, câu chuyện thành công từ quá trình đào tạo, thực tập, tuyển dụng, TTXVN kỳ vọng sẽ lan tỏa ý thức, khát vọng hành động và tư duy đổi mới trong xây dựng nguồn nhân lực.
Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long ký kết hợp tác với lãnh đạo Trung tâm Thông tin Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam và Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long.
Dịp này, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long và Trung tâm Thông tin TTXVN khu vực phía Nam ký kết biên bản hợp tác, nhằm đồng hành trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, khai thác, phát huy thế mạnh của hai bên trong các lĩnh vực hoạt động và phối hợp triển khai các chương trình truyền thông.
Ngoài ra, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo - tuyên truyền - tuyển dụng - chuyển giao công nghệ với các sở ngành, doanh nghiệp. Các thỏa thuận hướng đến cơ chế phối hợp lâu dài, thúc đẩy mô hình học đi đôi với hành, doanh nghiệp cùng tham gia giảng dạy để hình thành mạng lưới kết nối giữa doanh nghiệp - cơ sở đào tạo - cơ quan quản lý nhà nước trong chia sẻ thông tin thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long.