Qua hơn 30 năm, chất lượng nguồn nhân lực Tây Nguyên từng bước được nâng lên. Số người có chuyên môn kỹ thuật (đã qua đào tạo theo tiêu chí do Tổng cục Thống kế quy định) tăng nhanh, từ 60,8 ngàn người năm 1979 lên 373,9 ngàn người năm 2012.
Tỷ lệ qua đào tạo thấpTuy nhiên, xét theo trình độ chuyên môn, kỹ thuật thì tỷ lệ lao động có chuyên môn, kỹ thuật tăng rất chậm trong hơn 30 năm qua (tỷ lệ này năm 1979 là 9,27%, đến 2012 tăng ở mức 12,1%). Tỷ lệ qua đào tạo ở Tây Nguyên thấp so với mức bình quân cả nước và các vùng phát triển. Năm 2012, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm 87,9% tổng lao động việc làm (trong khi đó, tỷ lệ này của cả nước là 83,4% và vùng đồng bằng sông Hồng là 78,6%, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 85,1%); tỷ lệ lao động làm nghề giản đơn ở Tây Nguyên là 53,3%, trong khi của cả nước là 40,4%, vùng đồng bằng sông Hồng là 43,1% và vùng Đông Nam Bộ là 27,0%.
Cơ cấu dân số theo dân tộc tại khu vực Tây Nguyên. Nguồn: Chương trình Tây Nguyên |
Theo ông Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trên thực tế nhiều người lao động Tây Nguyên có kỹ năng, thành thạo và chuyên nghiệp trong công việc của mình, nhất là trong lĩnh vực trồng các loại cây công nghiệp giá trị cao như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè, rau, hoa, dược liệu… Họ thực sự là những lao động lành nghề, làm việc với năng suất và hiệu quả cao. Năng suất lao động nông - lâm nghiệp của Tây Nguyên cao hơn mức trung bình của cả nước và đứng thứ 3 trong số 6 vùng về năng suất lao động nông - lâm nghiệp - thủy sản. Năng suất các loại cây trồng như cà phê, cao su, hồ tiêu… ở Tây Nguyên cao hơn ở nhiều nước trên thế giới. Những người lao động lành nghề này thường được đào tạo trực tiếp trong quá trình lao động, sản xuất, mà không qua trường lớp tập trung nào, không có bằng cấp chứng chỉ. Do đó, nếu xét theo tiêu chí của Tổng cục Thống kê thì họ không thuộc vào nhóm lao động có “chuyên môn - kỹ thuật”. Đây là một đặc điểm cần được tính đến trong việc đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Tây Nguyên để đưa ra những giải pháp đào tạo nguồn nhân lực của vùng trong thời gian tới.
“Cơ cấu lao động theo bậc đào tạo ngày càng bất hợp lý, thể hiện ở chỗ, tỷ lệ công nhân kỹ thuật/lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lên giảm nhanh và hiện ở mức rất thấp. Số công nhân kỹ thuật/lao động cao đẳng, đại học năm 1979 là 8,58 người (được xác định là tương đối hợp lý) đã giảm nhanh xuống còn 1,19 người năm 1999 và tăng nhẹ lên 0,48 người năm 2012, thấp hơn so với mức bình quân của cả nước (tỷ lệ này của cả nước năm 2012 là 0,56)”, ông Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thêm.
Cơ cấu chuyển dịch lao động chậmSự biến đổi của trạng thái việc làm theo ngành (khu vực) kinh tế qua các thời kỳ phản ánh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo thời gian. Có thể nói, đến nay cơ cấu lao động làm việc trong nền kinh tế của Tây Nguyên còn lạc hậu, chuyển dịch chậm, phản ánh trình độ phát triển còn ở mức thấp. Trong tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế của vùng năm 2012, tỷ trọng của khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản ở mức rất cao, chiếm 71,2% tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế, cao nhất nước. Cơ cấu lao động của vùng bước đầu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, song còn chậm. Tỷ trọng lao động khu vực nông - lâm - ngư nghiệp sau 33 năm chỉ giảm được 10,9 điểm % (từ 82,4% năm 1979 xuống còn 71,5% năm 2012). Tương ứng với đó, tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp (gồm công nghiệp, xây dựng, và các ngành dịch vụ) tăng chậm, từ 17,4% năm 1979 lên 28,5% năm 2012).
Để tạo việc làm, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ và nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực, ông Nguyễn Văn Thành, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Các tỉnh vùng Tây Nguyên cần triển khai tái cấu trúc kinh tế vùng theo hướng hình thành và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế để hình thành được một dạng cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động mới bao gồm 3 bộ phận gắn kết chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau để tạo thành hệ thống lưới nhiều tầng tạo việc làm cho nguồn nhân lực. Một là, lao động với trình độ công nghệ - kỹ thuật và năng suất cao làm ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, năng lực cạnh tranh cao. Số lượng tuyệt đối và tỷ trọng của khu vực này có thể thấp, song là bộ phận tiên tiến có tác dụng đầu tàu, làm hạt nhân để tạo việc làm cho những khu vực khác và dẫn dắt nền kinh tế Tây Nguyên phát triển bền vững. Hai là, lao động với trình độ công nghệ trung bình chủ yếu sản xuất các sản phẩm và dịch vụ đảm bảo chất lượng phù hợp với sức mua của đông đảo nhân dân. Đây là khu vực tạo được nhiều việc làm nhất. Ba là, lao động phổ thông, tạo việc làm, phục vụ những nhu cầu tại chỗ của người dân và đảm bảo thu nhập - đời sống cho người lao động”.
Ưu tiên phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các trung tâm huyện, cụm xã, trước hết là các cơ sở công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến nông - lâm sản, cơ khí sửa chữa, điện cơ… và mở mang các ngành dịch vụ thương mại, du lịch, dịch vụ đào tạo, y tế… để tạo việc làm cho người lao động. Mở mang ngành nghề ở nông thôn để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, thu hút lao động vào việc thâm canh trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu, dược liệu, rau, hoa công nghệ cao… và chăn nuôi công nghiệp.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về giải quyết việc làm; chú trọng giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tạo điều kiện về vốn, môi trường, kinh nghiệm, thông tin thị trường cho người lao động thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, xuất khẩu lao động… Hình thành và phát triển hệ thống dịch vụ việc làm như các văn phòng giao dịch giới thiệu việc làm, thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về thị trường lao động…
Viết Tôn