Bất cập trong đào tạo nghề cho nông thôn

Những năm qua, tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã thực hiện khá tốt Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần đáng kể vào việc "xóa đói - giảm nghèo" bền vững trên địa bàn.

Là tỉnh có nền công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, sản xuất quy mô nhỏ, Kon Tum có số lượng doanh nghiệp ít, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, do đó nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp thấp, lao động nông thôn học nghề xong khó tìm được việc làm.

Lao động học nghề nông nghiệp ở Gia Lai sau khi được đào tạo đã có việc làm ổn định chiếm khoảng 74%.Ảnh: Ly Kha – TTXVN


5 năm qua, tỉnh Kon Tum đã đào tạo nghề cho 11.215 lao động nông thôn (đạt 60,84% so với kế hoạch được UBND tỉnh giao) và 2.671 lượt cán bộ công chức cấp xã. Sau đào tạo, đã có gần 9.500 lao động học nghề xong, trong đó có gần 8.200 lao động có việc làm sau học nghề, được doanh nghiệp tuyển dụng 733 người, còn lại tự tạo việc làm. Tổng kinh phí thực hiện đào tạo nghề là trên 196 tỷ đồng. Các mô hình dạy nghề hiệu quả, sau học nghề tỷ lệ lao động có việc làm, thu nhập cao, ổn định như: Cạo mủ cao su, trồng chăm sóc cà phê, thu hái và chế biến cà phê, trồng cây lương thực và thực phẩm, vận hành và sửa máy nông nghiệp, nề hoàn thiện và nuôi cá lồng...

Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, hiện các địa phương trong tỉnh chưa có giải pháp hỗ trợ đầu ra đối với sản phẩm nghề thủ công mỹ nghệ và chưa có chính sách, giải pháp tạo việc làm cho người lao động học nghề phi nông nghiệp. Dự kiến 5 năm tới (2016 - 2020) Kon Tum sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho 16.500 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung đạt khoảng 55% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%. Để đạt được mục tiêu, Kon Tum xác định xã hội hóa công tác dạy nghề, liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh đào tạo các nghề có trình độ tay nghề cao. Đặc biệt tỉnh có cơ chế ưu đãi, thu hút giáo viên là những nghệ nhân, thợ kỹ thuật cao và người sản xuất giỏi tham gia dạy nghề.

Năm 2012, Gia Lai có hơn 700 hộ có lao động tham gia học nghề đã thoát nghèo và 177 hộ vươn lên làm ăn khá giả; năm 2013, có trên 500 hộ và năm 2014, có gần 400 hộ chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh Gia Lai đã tổ chức đào tạo cho gần 22.000 lao động ở vùng nông thôn; trong đó, có hơn 80% số lao động là người dân tộc thiểu số với một số ngành nghề chủ yếu như sửa chữa máy nông nghiệp, xây dựng, chăm sóc các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, tiêu... Lao động học nghề nông nghiệp sau khi được đào tạo đã có việc làm ổn định chiếm khoảng 74%; nhiều lao động đã biết cách tiết kiệm được chi phí trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các biện pháp khoa học trong chăn nuôi... có mức thu nhập ngày công tăng thêm từ 120.000 đồng lên 150.000 đồng/ngày công lao động. Đối với lao động theo học nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt đến 70%, chủ yếu là tự tạo được việc làm và có mức thu nhập bình quân khá cao 4 triệu đồng/tháng, tăng hơn 1 triệu đồng so với khi chưa được học nghề.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động ở vùng nông thôn tỉnh Gia Lai hiện vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo nghề và từ đó dẫn đến lao động tìm việc làm rất khó. Trong điều kiện đặc thù ở Gia Lai, phần lớn lao động theo học nghề là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi đó thời gian đào tạo nghề còn quá ngắn chỉ từ 2 - 3 tháng (tùy theo từng nghề), tay nghề của lao động sau khi được đào tạo còn chưa chắc chắn, khó tìm được việc làm tại các doanh nghiệp để có mức thu nhập ổn định mà chủ yếu là tự tạo việc làm. Mức hỗ trợ cho người học nghề và người dạy nghề còn ở mức thấp, chưa thu hút được học viên tham gia học hết khóa cũng như tìm thầy dạy nghề rất khó, có những thời điểm phải "chắp vá". Trong khi đó, quy định của Đề án 1956 cũng rất "trớ trêu", mỗi lao động nông thôn chỉ được tham gia học một lần nghề, không có cơ chế hỗ trợ theo học nghề khác, nếu muốn học thêm nghề khác phải tự túc. Hơn nữa, quy mô mở lớp phải có tối thiểu 30 học viên theo học cũng rất khó tổ chức cho lao động theo học, vì thường lớp học được tổ chức theo từng làng, cụm làng, trong khi đó sở thích học nghề của mỗi lao động lại khác nhau; có những thời điểm mở chậm hoặc không mở lớp được.

Tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề lao động nông thôn đến năm 2015 là 8.500 người (Đề án có 4.000 người) và giai đoạn 2016 - 2020, có 47.000 người (Đề án 22.500 người); trong đó, phần lớn số lao động vẫn là người dân tộc thiểu số. Theo ông Lê Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề trong giai đoạn tới, Trung ương và địa phương cần có cơ chế tháo gỡ những bất cập trên. Đối với các cơ sở dạy nghề tập trung nghiên cứu thị trường lao động để chọn lựa nghề đào tạo cho phù hợp, xây dựng các phương án hiệu quả để nâng cao năng lực tuyển sinh và chất lượng đào tạo.

Cao Nguyên - Văn Thông
Ưu tiên doanh nghiệp tạo việc làm cho người lao động
Ưu tiên doanh nghiệp tạo việc làm cho người lao động

Qua hơn 30 năm, chất lượng nguồn nhân lực Tây Nguyên từng bước được nâng lên. Số người có chuyên môn kỹ thuật (đã qua đào tạo theo tiêu chí do Tổng cục Thống kế quy định) tăng nhanh, từ 60,8 ngàn người năm 1979 lên 373,9 ngàn người năm 2012.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN