Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều biện pháp tích cực trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Thực trạng nguồn nhân lực Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2013, tại các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị bình quân chung toàn vùng là 2,32%, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn là 3,4%. So với bình quân chung của cả nước, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm vùng nông thôn ở Tây Nguyên cao hơn (bình quân chung cả nước, tỷ lệ thất nghiệp thành thị khoảng 2,2%, tỷ lệ thiếu việc làm ở vùng nông thôn khoảng 2,7%). Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề ở các tỉnh trong vùng đã từng bước đổi mới và phát triển, bước đầu đáp ứng yêu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của từng địa bàn. Thực tế hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên và miền núi giáp với Tây Nguyên đã có 162 cơ sở dạy nghề, gồm các trường đại học, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề…
Dạy nghề ở trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên. |
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, kết quả thực hiện Đề án 1956 (đào tạo nghề cho lao động nông thôn), các tỉnh Tây Nguyên đã tuyển sinh dạy nghề cho gần 90.000 lao động nông thôn. Chất lượng đào tạo nghề cũng từng bước được nâng lên. Cụ thể, chỉ riêng từ năm 2010 đến năm 2013, tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề được các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tự tạo việc làm tại chỗ đạt trên 78%, trong đó có trên 2.000 hộ nghèo sau học nghề có việc làm, thu nhập ổn định và đã thoát nghèo. Có 2.687 hộ sau học nghề đã đầu tư mở rộng sản xuất, thành lập các tổ sản xuất kinh doanh dịch vụ và trở thành hộ có thu nhập khá so với bình quân chung của địa phương. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng Tây Nguyên khoảng 37%, trong đó qua đào tạo nghề có khoảng 30%. Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 2005 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã giải quyết việc làm cho trên 805.950 lao động, chủ yếu là lao động ở nông thôn, trong đó nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, số lượng lao động qua đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng. Chất lượng đào tạo nghề chưa cao do trình độ học vấn của người lao động, đặc biệt là lao động vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không đồng đều nên số lao động nông thôn tham gia học nghề chủ yếu là học những nghề đơn giản, các nghề mang tính kỹ thuật cao chưa phát triển, trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, có nhiều lao động đã qua đào tạo nhưng khi được tuyển dụng vào làm việc thì phải đào tạo lại. Việc xuất khẩu lao động còn nhiều hạn chế, có huyện một năm chỉ đưa được từ 5 - 7 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài…
Tăng nguồn nhân lực có chất lượng Theo dự báo, lực lượng lao động (cung lao động) của vùng năm 2015 dự báo khoảng hơn 3 triệu người và năm 2020 có gần 4 triệu người, bằng 93% dân số trong tuổi lao động của vùng và chiếm 6% lực lượng lao động của cả nước.
Những năm trở lại đây, quy mô, năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề vùng Tây Nguyên đã được nâng lên đáng kể. Theo báo cáo của các địa phương, chỉ trong ba năm 2011 - 2013, các cơ sở đào tạo nghề đã tuyển mới học sinh học nghề trên 208.180 người; trong đó, tuyển mới cao đẳng, trung cấp nghề trên 13.000 người. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu phục vụ cho phát triển kinh tế của từng địa phương, gắn với thế mạnh của vùng như du lịch, lâm sinh, chế biến (cà phê, ca cao), kỹ thuật máy nông nghiệp, chế biến gỗ, vận hành điện trong nhà máy thuỷ điện, khai thác khoáng sản… đáp ứng được một phần nhu cầu nhân lực kỹ thuật cho phát triển kinh tế của vùng. |
Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu nhân lực tăng nhanh cả số lượng lẫn chất lượng. Dự báo, tốc độ tăng lao động qua đào tạo bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 7%/năm. Quy mô nhân lực qua đào tạo trong 10 năm 2011 - 2020 tăng khoảng 857.000 người, bình quân năm tăng 85.000 người.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, các tỉnh Tây Nguyên tập trung đào tạo đủ nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn của vùng như công nghiệp thủy điện, khai thác khoáng sản (khai thác bô xít, chế biến alumin…), công nghiệp chế biến nông lâm sản, nhân lực kỹ thuật phục vụ cho sự phát triển của ngành trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều. Phát triển nhân lực tại chỗ cho các ngành dịch vụ dự kiến phát triển như tài chính, ngân hàng, tín dụng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn vùng Tây Nguyên như phát triển mạng lưới đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn. Đến năm 2020, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, mỗi tỉnh có ít nhất 1 trường cao đẳng nghề để đảm nhiệm nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và khu vực trong đó, mỗi trường có ít nhất 2 - 3 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 3 - 5 nghề cấp độ quốc gia. Đầu tư xây dựng mới các trường dân tộc nội trú hoặc thành lập khoa dân tộc nội trú tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở tất cả các huyện thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên, tập trung đầu tư các trang thiết bị dạy nghề, bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, xây dựng chương trình, giáo trình, bổ sung ngành nghề đào tạo để đảm nhiệm việc dạy nghề cho người lao động trên địa bàn có hiệu quả hơn…
Bài và ảnh: Quang Huy