Thêm vào đó, việc Mỹ cho biết đang cân nhắc các lựa chọn để ứng phó tình trạng giá cả leo thang cũng hỗ trợ thị trường.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 68 xu Mỹ (0,84%), lên 81,95 USD/thùng, sau khi giảm 3% trong tuần trước. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 71 xu Mỹ (0,83%), lên 83,44 USD/thùng, sau khi mất gần 2% trong tuần trước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 6/11 đã hoan nghênh việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD vốn bị trì hoãn lâu nay, điều này có thể thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Góp phần nâng đỡ giá dầu trong phiên này là quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh như Nga, còn gọi là nhóm OPEC+, không đẩy nhanh mức tăng sản lượng tại cuộc họp hồi tuần trước. Ông Biden đã kêu gọi OPEC+ sản xuất nhiều dầu hơn để kiềm chế sức tăng của giá dầu, nhưng sau quyết sách của nhóm này, ông Biden cho biết Chính phủ Mỹ sẽ có “các công cụ khác” để giải quyết tình trạng trên.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết, Washington đang cân nhắc các lựa chọn để giải quyết tình trạng giá xăng dầu và khí đốt tăng cao ở Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng, các lựa chọn này có thể liên quan đến việc giải phóng Kho dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của Mỹ.
Góp phần thúc đẩy tâm lý lạc quan của thị trường là số liệu mới đây cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 10/2021 đã chậm lại song vẫn cao hơn dự báo, nhờ nhu cầu toàn cầu gia tăng trước mùa lễ hội cuối năm và những cải thiện trong vấn đề chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, nhà sản xuất dầu quốc doanh Aramco của Saudi Arabia tăng giá bán dầu thô cho khách hàng tại châu Á- một động thái cho thấy nhu cầu năng lượng vẫn mạnh mẽ, trong khi nguồn cung bị thắt chặt.
Tamas Varga, chuyên gia phân tích tại công ty môi giới và dịch vụ dầu khí PVM Oil Associates, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), nhận định rằng Saudi Arabia cũng dự đoán trong vài tuần tới nguồn cung dầu sẽ thu hẹp hơn và đây là lý do tại sao họ tăng giá bán dầu sang châu Á thêm 1,4 USD/thùng.
Nhu cầu toàn cầu về nhiên liệu máy bay cũng sẽ khởi sắc khi chính phủ nhiều nước hỗ trợ việc di chuyển bằng đường hàng không dễ dàng hơn với việc nới lỏng các hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19.