Bên cạnh đó, mối quan ngại về nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế thế giới cũng đè nặng lên thị trường năng lượng.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 20 xu Mỹ, xuống 56,96 USD/thùng, sau khi chạm mức “đỉnh” kể từ đầu năm nay là 57,55 USD/thùng trong phiên trước đó. Trong khi tại thị tường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng giảm nhẹ 1 xu Mỹ, xuống 67,07 USD/thùng, bỏ lại mức “đỉnh” của năm 2019 vừa xác lập phiên 20/2 là 67,38 USD/thùng.
Dự trữ dầu thô của Mỹ vừa ghi nhận tuần tăng thứ năm liên tiếp, đạt mức cao nhất trong hơn một năm qua, giữa bối cảnh sản lượng dầu mỏ của nước này chạm mức cao kỷ lục và các nhà máy lọc dầu bước vào chu trình bảo dưỡng định kỳ, khiến tỷ lệ dầu tinh chế hạ thấp.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất từ cơ quan thông tin năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 15/2 đã tăng 3,7 triệu thùng, lên 454,5 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2017, bất chấp xuất khẩu dầu thô của nước này tăng 1,2 triệu thùng/ngày, lên 3,6 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ, vốn đạt mức cao nhất thế giới vào năm ngoái, đã leo lên mức cao kỷ lục mới là 12 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng các dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm tốc của nền kinh tế thế giới cũng là một trong những nhân tố “níu chân” giá dầu sau khi chạm các mức cao vào đầu tuần này.
Tuy vậy, nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng mình bao gồm cả Nga, cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran và Venezuela đã phần nào kiềm chế đà giảm của giá dầu. Thêm vào đó, tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng góp phần đẩy lùi nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó hỗ trợ thị trường dầu mỏ.