Áp lực trên thị trường dầu mỏ thế giới giảm dần

Trong phiên 14/7, giá dầu thế giới giảm hơn 1 USD, khi các nhà đầu tư đánh giá về nguy cơ tác động từ những đe doạ mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về các lệnh trừng phạt đối với những người mua dầu của Nga đến nguồn cung toàn cầu, trong khi vẫn lo ngại về thuế quan của Mỹ.

Chú thích ảnh
Giàn khoan dầu tại Luling, Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1,15 USD, hay 1,63%, xuống 69,21 USD/thùng. Giá dầu West Texas Intermediate kỳ hạn của Mỹ giảm 1,47 USD, hay 2,15%, xuống còn 66,98 USD/thùng.

Ông Trump tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí mới cho Ukraine và đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với những người mua dầu của Nga, trừ phi nước này đồng ý ký thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày.

Giá dầu tăng mạnh vào đầu phiên, trước khả năng Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn. Tuy nhiên, giá đã giảm khi các nhà giao dịch cân nhắc liệu Mỹ có thực sự áp đặt mức thuế quan cao đối với các quốc gia tiếp tục giao dịch với Nga hay không.

Nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group, Phil Flynn, cho rằng lo ngại về lệnh trừng phạt ngay lập tức đối với dầu mỏ của Nga còn xa vời hơn những gì thị trường nhận định vào đầu phiên, khi còn nhiều thời gian để đàm phán.

Trung Quốc và Ấn Độ là một trong những điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu dầu thô của Nga.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách các giao dịch kỳ hạn về năng lượng tại Mizuho, Bob Yawger, nhận định khả năng Mỹ áp đặt mức thuế 100% đối với Trung Quốc là rất thấp, khi điều này sẽ khiến lạm phát tăng vọt.

Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến kết quả các cuộc đàm phán thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại chủ chốt.

Liên minh châu Âu và Hàn Quốc ngày 14/7 cho biết đang đàm phán các thỏa thuận thương mại với Mỹ nhằm giảm bớt tác động từ các mức thuế quan sắp tới khi Mỹ đe dọa áp đặt các mức thuế cao từ ngày 1/8.

Một yếu tố hỗ trợ thị trường là số liệu hải quan được công bố ngày 14/7 cho thấy nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng 6/2025 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 12,14 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8/2023.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho rằng thị trường vẫn đang trong tình trạng thắt chặt, với phần lớn dự trữ gia tăng tại Trung Quốc và trên tàu, chứ không phải tại các địa điểm trọng yếu.

Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể sẽ khan hiếm hơn so với dự kiến trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cơ quan này đã nâng dự báo tăng trưởng nguồn cung trong năm nay, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu, cho thấy khả năng dư thừa.

Lê Minh (TTXVN)
Giá dầu châu Á khởi sắc trong phiên giao dịch đầu tuần mới
Giá dầu châu Á khởi sắc trong phiên giao dịch đầu tuần mới

Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần tại thị trường châu Á, nối tiếp đà tăng hơn 2% từ phiên cuối tuần trước, khi giới đầu tư lo ngại các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga có thể ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng bị kiềm chế bởi sản lượng dầu gia tăng từ Saudi Arabia và những bất ổn xung quanh chính sách thuế của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN